Theo Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), năm 2016, tổng số việc, tiền phải thi hành của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù là 104.016 việc, tương ứng với 20.206 tỷ 253 triệu 931 nghìn đồng. Kết quả: Thi hành xong 52.751việc, thu được số tiền là 1.372 tỷ 380 triệu 543 nghìn đồng.
Việc thực hiện Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC ngày 6/2/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Tài chính về hướng dẫn trình tự thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải THADS và trả tiền, giấy tờ cho người phải THADS là phạm nhân được đánh giá tháo gỡ nhiều khó khăn trong việc thu tiền của phạm nhân là người THA đang thụ hình trong trại. Nhiều địa phương, THA chủ động phối hợp với Trại giam ký quy chế phối hợp và thực hiện đạt kết quả tốt. Tại Bình Định, Cục THADS tỉnh đã ký quy chế phối hợp với Trại giam Kim Sơn quy định rõ trách nhiệm hai bên trong công tác THADS.
Qua hơn nửa năm triển khai được đánh giá tạo điều kiện cho phạm nhân và thân nhân của họ trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tại Khánh Hòa, sau khi Quy chế được ký kết với Trại giam A2 đã tạo những bước chuyển biến lớn, đã thu số tiền hàng tỷ đồng. Theo đánh giá của đại diện Trại giam A2 “Quy chế phối hợp không chỉ tạo thuận lợi cho cơ quan THADS mà còn tháo gỡ khó khăn cho trại giam trong việc thu tiền của phạm nhân. Quan trọng hơn, quy chế đã tạo điều kiện cho phạm nhân thực hiện nghĩa vụ dân sự một cách thuận lợi nhất, trong khi đây là điều kiện để xem xét đặc xá đối với họ”.
Tuy nhiên, theo Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục THADS thì còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, việc THADS với người đang chấp hành án phạt tù có khoản phải thi hành lớn nhưng chưa đạt kết quả cao. Hiện nay chủ yếu các khoản phải thi hành lớn tập trung vào các vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước (ví dụ như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Công ty Tài chính II – Vũ Quốc Hảo, Vụ Vinashine..). Các vụ việc này đương sự đang chấp hành hình phạt tù, có nhiều tài sản bên ngoài nhưng cơ quan THADS lại chưa xử lý được bởi nhiều lý do. Trong đó, có một phần do các cơ quan tiến hành tố tụng chưa chuyển giao các tài liệu, giấy tờ bản chính của các tài sản cho cơ quan THADS, mặc dù cơ quan THADS đã có nhiều văn bản yêu cầu, dẫn đến việc thi hành án kéo dài.
Bên cạnh đó, cũng theo Vụ Nghiệp vụ 2, việc xử lý số tiền còn tồn đọng ở trại giam chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Hiện nay số tiền còn tồn đọng, nhất là khoản thu được trước khi có Thông tư 07 còn tồn đọng khá lớn, chủ yếu do phạm nhân và thân nhân của họ nộp vào các đợt đặc xá để được xét miễn giảm hình phạt tù. Tổng cục THADS đã có nhiều văn bản chỉ đạo cơ quan THADS địa phương rà soát, lập danh sách để xem xét xử lý . Tuy nhiên, đa số các Cục THADS chỉ thu tiền đối với trường hợp đã xác định được chính xác đương sự nộp tiền, địa chỉ thường trú và bản án của Tòa án, còn với những khoản tiền chưa xác định rõ thì không tiến hành thu tiền về theo sự chỉ đạo của Tổng cục.
Một khó khăn nữa được chỉ ra là công tác phối hợp trong việc thi hành án trục xuất hoặc giải quyết cho phạm nhân chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa thi hành xong nghĩa vụ dân sự. Mặc dù đã có quy định cụ thể nhưng trên thực tế triển khai thực hiện thì các thủ tục hành chính hết sức phức tạp, rườm rà, mất nhiều thời gian khiến cho đương sự phải chờ đợi, các cơ quan THADS và trại giam hải tốn thời gian, công sức để quản lý đương sự chờ được xuất cảnh.
Vụ Nghiệp vụ 2 đề nghị các trại giam cần thực hiện nghiêm quy định về thông báo cho cơ quan THADS nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm họ, tên, địa chỉ của phạm nhân khi tiếp nhận phạm nhân vào trại giam; tiếp nhận quyết định về THADS trong bản án hình sự; tiếp nhận tiền, giấy tờ do cơ quan THADS chuyển đến…
Về phía cơ quan THADS cần tăng cường công tác kiểm tra, rà soát; cần phối hợp tích cực với các cơ quan liên quan xác minh rõ tài sản của người phải thi hành án để tiến hành kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thu tiền trong trường hợp đương sự không tự nguyện thi hành hoặc che giấu tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Đồng thời, tích cực phối hợp với Trại giam trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho phạm nhân để họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó vận động họ thực hiện nghĩa vụ THA. Bên cạnh đó, có biện pháp nhằm đơn giản thủ tục hành chính tránh tình trạng để đương sự phải chờ đợi.