'Thu hút nhân tài không phải để sai vặt!'

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.
(PLVN) -PGS.TS. Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đầu tư cho nhân tài là tốn kém nhưng ngược lại, nếu họ phát huy được năng lực sẽ mang lại hiệu quả cao ngoài mong đợi. Do đó, nhân tài phải được cống hiến và mong muốn được cống hiến trong khu vực công chứ không phải thu hút để sai vặt

Sáng nay (17/7), Bộ Nội vụ tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài” (Đề án) và Hội thảo khoa học “Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công”.

Người học giỏi chưa phải là người tài

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thời gian qua, đã có nhiều bộ, ngành, địa phương ban hành các chính sách “trải thảm đỏ” nhằm thu hút người có tài năng về làm việc tại các cơ quan nhà nước. Những cá nhân đó đã phát huy được năng lực, sở trường và bước đầu có những kết quả đóng góp tốt cho cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài còn một số hạn chế, bất cập như: chưa có văn bản quy phạm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; chưa được thực hiện một cách đồng bộ, còn tùy thuộc vào khả năng của từng bộ, ngành, địa phương…

Vì vậy, Bộ Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài theo hướng không biệt Đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài; quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu điều hành thảo luận, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đề nghị các đại biểu làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và đề xuất các giải pháp mang tính khả thi nhằm thu hút được đội ngũ có tài năng vào phục vụ khu vực công. Khi phát hiện rồi thì cơ chế, chính sách thu hút thế nào? (về tuyển dụng, tạo điều kiện tiếp cận công việc; về môi trường làm việc; các giải pháp để trọng dụng, tôn vinh, cơ hội thăng tiến…). Đặc biệt là nghiên cứu và đưa ra giải pháp xử lý tình huống xảy ra giữa bên sử dụng và cá nhân nhân tài.

Theo TS. Dương Quang Tung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước -Bộ Nội vụ, nhân tài phải được gắn với một lĩnh vực hoạt động cụ thể với chuyên môn, nghiệp vụ nhất định. Bên cạnh đó, cần phân biệt nhân tài với người học giỏi. Người học giỏi có bằng cấp cao chưa phải là người tài nếu thiếu một ý chí cao trong công việc và thiếu thành tích, cống hiến cụ thể.

Nhân tài trong khu vực công (cán bộ, công chức, viên chức) được hiểu là người có năng lực vượt trội, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, có nhiều thành tích, cống hiến và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của người dân.

Vậy, nhân tài cần có mặt ở những vị trí công việc nào trong khu vực công? Theo TS. Dương Quang Tung thì các vị trí đó là: lãnh đạo, quản lý; các vị trí tham mưu, hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách phát triển, cả về chiến lược và chiến thuật và các vị trí công việc đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cao. 

Đối với các vị trí công việc có tính chất thừa hành, thực thi cụ thể, kể cả trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập không cần thiết phải thu hút, trọng dụng nhân tài mà chỉ cần có những công chức, viên chức, người lao động có kiến thức, kỹ năng cần thiết và có động cơ, thái độ làm việc đúng đắn là được. 

Mặt khác, những vị trí công việc này chắc chắn sẽ không thu hút được nhân tài vì nhân tài không bao giờ muốn chỉ thực thi công việc một cách khuôn mẫu, cứng nhắc, thiếu không gian, môi trường cho sự sáng tạo, phát triển.

Phải đa dạng chính sách thu hút nhân tài

Nhấn mạnh vai trò của nhân tài trong sự nghiệp phát triển đất nước, PGS.TS. Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội đề nghị Nhà nước phải thể hiện rõ quan điểm “Nhân tài là nguyên khí quốc gia” và phải có cơ chế, chính sách trọng dụng, giữ chân nhân tài trong khu vực công. 

Bên cạnh đó, không nên trừu tượng hóa nhân tài để trở thành một khái niệm khó xác định mà quan niệm nhân tài ở nhiều cấp bậc khác nhau, mức độ khác nhau. Đồng thời, cần trân trọng phát hiện, bồi dưỡng ở những cấp bậc đó và cần phải trọng dụng nhân tài để “Sĩ phu không ngoảnh mặt”.

Ông Lê Minh Thông cũng nhận định, đầu tư cho nhân tài là đầu tư rủi ro, nhân tài có thể rơi rụng, có thể chưa phát huy được năng lực, sở trường ở từng thời điểm nhất định. Đầu tư cho nhân tài là tốn kém nhưng ngược lại, nếu họ phát huy được năng lực sẽ mang lại hiệu quả cao ngoài mong đợi. Do đó, nhân tài phải được cống hiến và mong muốn được cống hiến trong khu vực công chứ không phải thu hút để sai vặt.

Nhân tài rất cần môi trường để thể hiện, do đó, cần phải “dụng nhân như dụng mộc”, phải dùng cho đúng cái tài năng của họ vào đúng việc; không ai tài năng toàn diện trừ các “anh hùng tái thế”.

PGS.TS Lê Minh Thông cho rằng nhân tài rất cần môi trường để thể hiện.
PGS.TS Lê Minh Thông cho rằng nhân tài rất cần môi trường để thể hiện.

PGS.TS. Lê Minh Thông cũng lưu ý, thông thường những người có “tài” thường có “tật”, do đó, cần phải có sự tôn trọng nhất định, phải tạo cho họ có được môi trường để cống hiến, để sáng tạo. Nhân tài không thể đem lại kết quả ngay tức thì như mong đợi, các cơ quan, đơn vị cần phải biết kiên nhẫn để chờ nhân tài “đơm hoa kết trái”, cho kết quả xứng đáng với giá trị “đầu tư”.

Và để thu hút được nhân tài, PGS.TS. Lê Minh Thông cho rằng, cần phải cải cách mạnh mẽ đội ngũ công chức, viên chức trong khu vực công, phải có giải pháp sàng lọc, loại bỏ những người không có năng lực, phải làm cho bộ máy tinh gọn và có chỗ để thu hút người có tài năng. Đã là công chức, viên chức thì cơ bản phải là tinh hoa.

Bên cạnh đó, phải đa dạng hóa chính sách thu hút nhân tài và quan trọng hơn là phải có người đứng đầu uy tín, có tâm, có tầm, phải xây dựng được hình tượng người đứng đầu có nhân cách, có tố chất lãnh đạo, có khả năng quy tụ để thu hút được nhân tài.

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Đề án và các quy định của Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài. Đồng thời ông cũng cho rằng cần làm rõ hơn tại sao các chính sách hiện nay không thu hút được nhân tài, trong khi đó khu vực tư lại thu hút được; xác định rõ lĩnh vực nào, cấp nào ưu tiên thu hút. 

Ngoài các chính sách thu hút phải tạo được môi trường làm việc tốt cho nhân tài. “Phải có cơ chế mở rộng quyền cho người đứng đầu trong việc tuyển dụng, sử dụng nhân tài. Không giới hạn phạm vi về nhân tài, không phân biệt nhân tài khu vực công, khu vực tư, trong nước, ngoài nước.”- Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức  Lê Minh Hương công bố các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ thành lập Ban chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài”, đồng thời, trình bày dự thảo đề cương Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài”.

Theo đó, đề cương Đề án gồm 05 phần, đã khái quát quát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài; kinh nghiệm trọng dụng nhân tài của thời kỳ phong kiến ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế...Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về các Nghị quyết của Trung ương về việc thu hút, trọng dụng nhân tài mang lại hiệu quả.

Cùng với đó, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để thu hút, trọng dụng nhân tài; góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tài trong các cơ quan của Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến cơ sở.

Đọc thêm

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.