Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các Bộ, ban, ngành có liên quan.
Ngày 13/11/2008, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Cán bộ, công chức (Luật CBCC), có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 và ngày 15/11/2010, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Viên chức, có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Việc quy định tách bạch chế độ quản lý cán bộ, công chức và viên chức tại 2 luật này đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh cải cách chế độ công chức, công vụ đồng thời tạo điều kiện thu hút và sử dụng đội ngũ viên chức có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc phục vụ người dân và cộng đồng. Quá trình thực hiện cho thấy quy định trong Luật CBCC và Luật Viên chức phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện Luật CBCC và hơn 6 năm thực hiện Luật Viên chức, đặc biệt là sau khi có Hiến pháp năm 2013 thì một số quy định của Luật CBCC và Luật Viên chức đã bộc lộ những bất cập, cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng bộ với quy định mới của Đảng. Theo đó, dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung vào một số vấn đề như xây dựng cơ chế tuyển dụng công chức, viên chức; xây dựng vị trí việc làm và thực hiện quản lý công chức, viên chức theo việc làm; đưa ra các chính sách thu hút nhân tài bằng việc tổ chức thi tuyển và xét tuyển, mở rộng ra ở các địa phương, các vùng biên giới, hải đảo; thi nâng ngạch công chức; bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác…
Khẳng định công chức là người duy trì hoạt động hành chính công, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng việc tuyển dụng, đánh giá công chức, viên chức vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là trong vấn đề thi tuyển, thu hút nhân tài từ bên ngoài. Theo đó, dự thảo Luật nên cân nhắc việc lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn thì được tham gia thi tuyển, xét tuyển. Về việc kỷ luật người về hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác, bà Thoa kiến nghị nên kỷ luật từ chức vụ Thứ trưởng hoặc tương đương trở lên để đảm bảo tính răn đe.
Đánh giá đây là một vấn đề khó và phức tạp, ông Trần Thanh Bình (Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ – Ban Tổ chức TW) cho rằng vị trí việc làm sẽ liên quan đến việc tuyển dụng, do đó mỗi vị trí việc làm sẽ có một khung năng lực riêng. Theo ông Bình, giao cho địa phương xây dựng vị trí việc làm thì chưa phù hợp và có nhiều bất cập. Vị trí việc làm nên chia theo mức độ phức tạp công việc, chứ không chia theo ngạch, bậc.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên kiến nghị theo hướng nâng cao chất lượng cán bộ để phục vụ cho xu hướng tinh giảm biên chế. Qua đó, phải đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thông qua thành quả công việc. Vấn đề đầu vào, đánh giá cán bộ, công chức, chế độ chính sách đối với người tài cũng không hợp lý, cần phải xem xét lại. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đưa ra ý kiến cần phải xử lý kỷ luật tất cả công chức, viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác để đảm bảo tính công bằng. Đồng thời dự thảo Luật nên bổ sung thêm thời hiệu xử phạt đối với công chức, viên chức.
Đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhất trí với việc cần thiết xây dựng dự thảo Luật đồng thời đề nghị Ban soạn thảo chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành để trình Chính phủ đúng thời hạn. Bên cạnh đó, bà Oanh cũng đề nghị rà soát, cân nhắc hệ thống các danh mục, vị trí việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Khẳng định vị trí việc làm rất quan trọng, Thứ trưởng yêu cầu phải xử lý chính xác, phù hợp với tinh thần mới, chủ trương, tiến tới xóa bỏ biên chế; có quy định rõ và chi tiết một số chính sách cơ bản trong dự thảo Luật để thu hút, trọng dụng người có tài năng.
Liên quan đến vấn đề đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, Ban soạn thảo cần có quy định mang tính định lượng hơn định tính, coi việc đánh giá năng lực là để sàng lọc, nâng cao hơn nữa chất lượng cán bộ, công chức. Vấn đề xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác là vấn đề nhạy cảm nên cần phải xin thêm ý kiến của Trung ương.