Thơ Hà Văn Thể, cái đẹp từ nỗi buồn

Nhà thơ Hà Văn Thể
Nhà thơ Hà Văn Thể
(PLVN) - Lâu lắm rồi mới gặp lại Đại tá, nhà thơ Hà Văn Thể, nguyên phóng viên Báo Công an nhân dân. Tôi với anh nhiều kỷ niệm, từ cái cữ cùng nhau lang thang, ăn cơm bụi, uống nước chè chén dọc phố Hồ Giám, nơi từng có trụ sở Báo Công an nhân dân, thuở cả hai còn thuộc “vương quốc tự do”. Tôi hiểu anh từ dạo ấy,

Hà Văn Thể, người cao to, vâm vấp như người kéo lưới trên sông Thao, chảy qua quê anh. Vậy nhưng, Hà Văn Thể giống tôi, trên khuôn mặt bao giờ cũng phảng phất nỗi buồn. Anh luôn suy nghĩ, nặng lòng với tất cả.

Vì thế, thơ Hà Văn Thể không thoát ra nỗi buồn. Nhà thơ đồng hương Trần Quang Quý có lần lý giải: “Vẻ đẹp của nỗi buồn không phải là nội hàm thơ ông phản ánh, nhưng nó là ánh quang toát ra từ góc nhìn căn bản của thơ ông, không chỉ ở những quan tâm đau đáu về nỗi người, phận người; mà ngay cả ở những nỗi đau sâu kín, dằn vặt và riêng tư nhất về gia đình, người thân thương của mình”.

Hà Văn Thể sinh năm Đinh Dậu, được gọi là “Gà bới cỏ vàng”, cứ “bới” là “gặp vàng”. Cái tuổi ấy, nhiều người làm quan to, thứ, bộ trưởng là bình thường. Hà Văn Thể bình lặng trong đời và cũng thầm lặng trong thơ. Cho đến nay, Hà Văn Thể đã in 5 tập thơ “Khi tôi trên mặt đất”, năm 1991; “Thời bình”, năm 1995; “Vườn cây bà ngoại”, năm 2001; “Lạy xin mây trắng”, năm 2005 và “Hoa muộn”, năm 2013. Anh không được chuyên tâm như người khác với thơ. In như vậy là thuộc dạng “lười in” dẫu anh vẫn nặng lòng với thơ, vẫn làm thơ.

Hà Văn Thể sinh ra và lớn lên ở xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ, sáng tác của anh đều viết về quê hương rừng cọ đồi chè, đều hướng về vùng đất Tổ cội nguồn.

Đồi chè ở Cẩm Khê
Đồi chè ở Cẩm Khê

So với nhiều nhà thơ cùng tuổi Đinh Dậu, Hà Văn Thể có thể không nổi đình nổi đám bằng. Ông viết sớm nhưng viết không nhiều, chưa bao giờ chú trọng việc đăng đàn, phát ngôn, in ấn, xuất hiện thế nào cho ồn ào, ấn tượng. Người ta nói, thơ là người. Người sao thì thơ vậy. Người làm thơ, để có một câu thơ hay, buộc phải bộc lộ mình thật nhất, không thể hóa trang hay giấu giếm.

Những xiêm áo vay mượn làm một cuộc lấp lánh giả tạo rốt cục cũng chỉ để rơi vào quên lãng, vì người đọc đến với thơ là đi tìm một neo đậu, một tri cảm sâu sắc của người làm thơ. Hà Văn Thể viết cái thật trong mình, cái ông đã sống, đã trải nghiệm, đã dằn vặt, đã thương nhớ, đã băn khoăn, âu lo. Thơ của ông có sự hồn hậu chất phác của một tâm hồn vốn cực xa lạ với những gì mỹ miều hình thức, hoặc giả có cố cũng không thể đụng vào cái mỹ miều hình thức được.

Những câu thơ chân tình, ấm áp, như khoai như sắn của vùng đất trung du quê ông: Đất trung du miên man dốc đồi/ Bước lên thì cao/ Bước xuống thì thấp/ Cây cọ đứng bên bờ ruộng rộc/ Kiêu hãnh thả lên trời những chiếc lá xanh/ Người trung du quen cuối thác đầu ghềnh/ Không ngay thẳng, thật thà không sống được... (Ai về Phú Thọ). Đó có thể xem là những câu thơ tự bạch của Hà Văn Thể.

Về vùng đất nơi ông bắt đầu hành trình kiếp người, vùng đất cố hương ngập tràn ký ức tuổi thơ, và về con người thi ca trong ông. Tính “ngay thẳng, thật thà” của người trung du trong hồn thơ Hà Văn Thể nhất quán trong mọi bài thơ, mọi tập thơ của ông. Tưởng như, ông không có một chủ trương nào trong việc làm thơ cả. Xét ở khía cạnh nào đó, Hà Văn Thể là nhà thơ “nhẹ gánh” nhất. Bởi ông không tự buộc mình vào bất kỳ một sứ mệnh nào, như không ít người cầm bút khác đã buộc, đã quan niệm, đã tự làm dày vò khổ sở, “làm khó” mình trên con đường đi với thi ca.

Sông Thao (Phú Thọ)
Sông Thao (Phú Thọ)

Hà Văn Thể cũng như tôi, đều sinh ra từ làng, mỗi người có một caí làng trong ký ức. Hà Văn Thể thuộc về làng, dẫu từ lâu anh đã là công dân Hà Nội. Đọc thơ Hà Văn Thể thấy cả một không gian nơi rừng cọ đồi chè, trầm tích của văn hóa nguồn cội người Việt. Biết bao phận người, tên đất, tên làng cứ trở đi trở lại trong tâm hồn nhà thơ như một sự day dứt. Người đọc bắt gặp cả một không gian Việt cổ rất thú vị như làng Vực, làng Vệ, sông Bứa, sông Thao, đầm Meo, Phục Cổ...đi vào thơ Hà Văn Thể rất thú vị. “Nhớ thời rau sắn, muối vừng/ Đồng chiêm ngụp lặn, đường rừng chơi vơi/ Cái thời người biết yêu người/ Khổ đau mà cứ hát cười như không” (Ta về sông Bứa).

Mái gồi lán tạm dựng lên

Chợ quê tíu tít họp bên mái đồi

Râm ran những tiếng chào mời

Bá mua miếng rễ, bủ xơi miếng trầu

Hà Văn Thể “giới thiệu” về một khung cảnh thân quen như thế trong “Chợ quê”; “Quẩn quanh toàn những người làng/ Dăm ba câu chuyện mở hàng bán mua”. Đọc thấy thú vị, thấy chất “quê” với cách gọi “bá”, “bủ”...rất lạ tai với các vùng miền khác. Rất sống động một phiên chợ quê. Đây là một bài thơ hay, ở sự bất ngờ: “Kìa hai chú tiễu ngẩn ngơ/ Giục nhau xách đậu, gánh ngô về chùa”.

Cứ thế, thơ Hà Văn Thể giản dị, chân thành như chính con người anh vậy. Và nếu ví thơ như một dòng sông thì Hà Văn Thể nhường sự ầm ào, sóng gió, nổi nênh cho người khác để chọn cho mình những quãng lặng. Bởi vì những chỗ đó mới là bến đỗ cho những con đò neo đậu bình yên và cho những phận người mà thơ anh suốt đời đau đáu.

Đọc thơ Hà Văn Thể luôn thấy dâng lên một nỗi niềm hoài cổ. Anh sinh ra bên một dòng sông nên trong thơ mới nhiều sông đến thế. Có những con sông thực thể đến từ đại ngàn, lại có những con sông trong quan họ, trong hoa cỏ, trong nỗi nhớ thương người cũ... Hay đơn giản, đó chỉ là dòng sông thời gian, càng sống càng trải nghiệm mới thấy cái vô tận tất yếu của sự chảy trôi, cái mất mát qua đi lại là tiền đề cho sự sinh sôi.

Nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên nói với tôi: “Thơ chung quy có 2 loại thôi, một là thể hiện bằng thi pháp mới hẳn, hai làm thi pháp cũ nhưng giàu cảm xúc”. Trường hợp thứ hai rất đúng với nhà thơ Hà Văn Thể.

Không chủ định đổi mới tân kỳ hình thức, không làm dáng làm điệu vần vè, không mong muốn một sự kể tên trong cuộc tổng kết nào đó, thơ với Hà Văn Thể là khí trời, là nước uống, là âm thanh tự vang trong cõi lòng bề bộn quá và có khi là mệt mỏi xao xác quá. Anh trung thực đến mức, tưởng như không bao giờ muốn trau chuốt lại những câu chữ đã trào ra từ ngọn bút. Hà Văn Thể để nguyên đó, những khoảnh khắc của tâm trạng, có lúc rất thô mộc, có lúc rất trữ tình, có lúc rất thật thà, có lúc rất bay bổng. Ngay cả tên của những bài thơ, cũng thường được đặt một cách chân chỉ, giản dị, không buồn đếm xỉa đến việc có gây ấn tượng mạnh hay tạo sự chú ý với bạn đọc hay không.

Bởi thế, Hà Văn Thể đích thị người làm thơ trước tiên chỉ cho mình. Anh viết là để ghi nhật ký đời sống tâm hồn mình, để trút bỏ mọi ẩn ức vui buồn, cả những gánh nặng không thể kể lể, gọi thành tên trong đời sống của ông. Một người lặng lẽ đi tìm trong thơ những “thang hy vọng” cho riêng mình, như cần một cái cớ để sống, để yêu, để tin vào cuộc đời, vào phận người, vốn có nhiều trắc ẩn và thiếu may mắn.

“Tất cả những gì có thật trong đời/ Vẫn không nguôi hành hạ con người/ Những sinh linh hữu hạn, nhỏ bé, yếu ớt/ Và như thế mỗi ngày âm thầm tôi viết/ Thơ sẻ chia, không né tránh bao giờ... “(Thơ viết cho mình). “Mười sáu năm nằm bên con/ Lắng từng hơi thở nhọc nhằn/ Lúc con ngủ lòng cha mới thanh thản/ Cả giấc ngủ cha cũng thường gián đoạn/ Khi giấc mơ con hoảng loạn chen vào” (Bên giấc ngủ của con). 

Sống đến độ tuổi nào đấy, chúng ta thường lo âu về thời gian. Cảm thức về sự hữu hạn luôn là cảm thức trĩu nặng trên đôi vai con người. Nếu cần một thang thuốc cho âu lo thường nhật ấy, thì có lẽ vẫn là “thang hy vọng” mà nhà thơ Hà Văn Thể đã sẻ chia, khi ông kiên trì cùng con trai mình vượt qua đau ốm, bệnh tật. Những tâm tình, lo âu, những ám ảnh thân phận luôn lên tiếng với những gì gần gũi nhất. Làm thơ không dấu được mình, Hà Văn Thể cũng không ngoài cái chung đó.

Có bông hoa nở muộn

Rực rỡ riêng góc vườn

Cạnh bông hoa nở sớm

Đã tàn theo gió sương

 Chiều tắt ánh hoàng hôn

Đợi ban mai lành lặn

Dòng sông đang mùa cạn

Lại mong ngóng về nguồn

(Hoa muộn)

Đọc Hà Văn Thể, phải mở rộng tâm hồn mình và lắng nghe những trải nghiệm sâu sắc, kín đáo theo một cách tự nhiên nhất. Thơ Hà Văn Thể giống như những giọt sương trong trẻo buổi sớm trên nhành hoa khiêm nhường phía góc vườn. Trong giọt sương ấy chứa đựng cả vũ trụ sau một đêm gió sương, những im lặng bóng tối và cả những mùi hương đã kịp nở rồi tàn trước khi mặt trời ló rạng.

Tin cùng chuyên mục

Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết được biết đến với mối tình thủy chung. (Nguồn: Thegioigiaitri)

Chuyện tình đẹp như mơ của “Đôi song ca miền thùy dương”

(PLVN) - Vào thập niên 50, 60, cặp đôi danh ca Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết là một trong những “ngôi sao” của làng tân nhạc Việt Nam. Gần 60 năm bên nhau, cặp đôi Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết không chỉ ghi dấu trong lòng người hâm mộ bằng những câu hát rung động lòng người, mà còn bằng mối tình sắt son, thủy chung của cả hai.

Đọc thêm

“Xây Tết” cho gần 2 vạn công nhân

Chương trình "Xây Tết" dành cho gần 2 vạn công nhân (Thùy Dương)
(PLVN) -  Lễ ra mắt chương trình “Xây Tết 2025” với những hỗ trợ thiết thực về vật chất, tinh thần đến hơn 18.500 công nhân trên cả nước diễn ra vào ngày 12/12/2024 tại Báo Nhân Dân.

Thị trường nhạc Việt trỗi dậy mạnh mẽ

Thị trường âm nhạc Việt Nam có tiềm năng rất lớn để thu hút thế hệ trẻ. (Ảnh: Mai Trang)
(PLVN) - Vừa qua, tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, show diễn “Anh trai say hi” đã thu hút hàng chục nghìn người tham dự, theo số liệu theo Ban Tổ chức công bố. Đây là một hiện tượng đặc biệt, khi phần lớn người đến tham dự đều trong độ tuổi rất trẻ. Trong hai đêm diễn nhận được sự quan tâm lớn của nhiều người hâm mộ. Hàng nghìn khán giả xếp hàng trước cổng sân vận động từ tờ mờ sáng nhằm giành một vị trí đẹp. Vé xem chương trình liên tục cháy hàng trên mọi mức giá từ vé phổ thông đến vé hạng nhất.

Hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá để bảo vệ giới trẻ

Cảnh hút thuốc trong phim "Tháng năm rực rỡ", phim được dán nhãn cấm khán giả dưới 16 tuổi.
(PLVN) - Các diễn viên, ca sỹ sử dụng việc hút thuốc lá như một cách thể hiện tính cách nhân vật hoặc thể hiện tâm trạng trong quá trình biểu diễn. Chuyên gia cho rằng điều này ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, lối sống của giới trẻ, do đó Thông tư 14/2024 được ban hành là kịp thời, góp phần thiết thực bảo vệ thể chất và tinh thần thế hệ tương lai của đất nước.

Hiện thực hóa giấc mơ nhạc kịch “made in Việt Nam”

Vở nhạc kịch Tấm Cám. (Ảnh: Khắc Duy)
(PLVN) - Sau nhiều năm vắng bóng tại Việt Nam, hàng loạt chương trình nhạc kịch đặc sắc mang đậm văn hóa Việt được đầu tư công phu với những tâm huyết của các nghệ sĩ nhằm thu hút khán giả yêu nghệ thuật và thực hiện hóa giấc mơ nhạc kịch Việt Nam vươn ra thế giới.

“Anh trai say hi” “Anh trai vượt ngàn chông gai” cùng dắt tay vào vòng bầu chọn Giải Mai Vàng 2024

“Anh trai say hi” đang là ứng cử viên của Giải Mai Vàng 2024 hạng mục Chương trình trên nề tảng số - truyền hình
(PLVN) -  Hội đồng Nghệ thuật Giải Mai Vàng đã chính thức công bố kết quả đề cử Giải Mai Vàng lần thứ 30. Sau hơn hai tháng tiếp nhận đề cử từ bạn đọc, từ 15/9 đến hết ngày 25/11/2024, cuộc họp của Hội đồng Nghệ thuật đã hoàn tất việc lựa chọn những ứng viên xuất sắc trong 14 hạng mục của Giải Mai Vàng năm nay.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
(PLVN) -  Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP.HCM chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Tượng Bà Chúa Xứ được đặt ở chánh điện.
(PLVN) - Ngày 4/12/2024, tại thủ đô Asunción, Paraguay, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 19 Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Có gì ở 'Lật mặt 8' của Lý Hải?

Có gì ở 'Lật mặt 8' của Lý Hải?
(PLVN) - Chiều 4/12, tại TP HCM, Lý Hải công bố dự án và dàn diễn viên đóng “Lật mặt 8: Vòng tay nắng”. Trong đó, TikToker nổi tiếng Lê Tuấn Khang được quan tâm khi đảm nhận một vai trong phim.