Dấu ấn trên giảng đường và xây dựng đơn vị
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến sinh năm 1966, quê gốc ở xã Thanh An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị. Trong gần 40 năm cuộc đời binh nghiệp, ông có gần 10 năm thực tế công tác ở Quảng Trị, Cao Bằng trên nhiều cương vị khác nhau, từ Đội trưởng Trinh sát, Phó Đồn trưởng Trinh sát, Trưởng phòng Trinh sát, Phó Chỉ huy trưởng, Chỉ huy trưởng và 4 năm trên cương vị Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP)…
Bảng thành tích và dấu ấn của ông trong nhiệm vụ bảo vệ cương thổ quốc gia, phên dậu Tổ quốc rất nhiều. Sau khi tốt nghiệp đào tạo sỹ quan Biên phòng, từ 1986-2009, ông được phân công làm công tác giảng dạy, quản lý tại Học viện Biên phòng và đi thực tế tại BĐBP Lạng Sơn, Quảng Trị, Cao Bằng.
Luôn tìm tòi cái mới cùng ý chí học tập, trong chặng đường binh nghiệp của mình, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến đã hoàn thành nhiều chương trình đào tạo với vai trò học viên ở Học viện Biên phòng, Đại học Luật Hà Nội, Học viện Biên phòng Liên bang Nga, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Quốc phòng.
Năm 2012, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Quản lý nhà nước về an ninh trật tự khu vực biên giới biển của BĐBP”. Năm 2018, với những cống hiến xứng đáng trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới và nghiên cứu khoa học, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến vinh dự được Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư ngành Khoa học quân sự.
Từ tháng 6/2017 đến nay, ông giữ cương vị Phó Tham mưu trưởng, Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu BĐBP và được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 2020. Xen giữa những lần nhận nhiệm vụ ở các tuyến biên giới, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến 5 lần quay về trường cũ công tác với vai trò giảng viên, Phó trưởng khoa và Trưởng khoa.
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến. |
Ông cũng góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu, biên soạn 7 đầu sách phục vụ đào tạo đại học và sau đại học, 4 đề tài nghiên cứu khoa học và công bố gần 40 bài viết trên các tạp chí khoa học uy tín.
Một trong những dấu ấn của Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến là việc ông đã góp phần xây dựng, củng cố tác phong làm việc của cán bộ, chiến sĩ dưới quyền. Bởi trước đây, đã từng xuất hiện những biểu hiện chưa chấp hành nghiêm các quy định, điều lệnh quân đội tại những đơn vị trước khi ông về nhận công tác.
Tại tỉnh biên giới Quảng Trị, khi Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến vào nhận nhiệm vụ chỉ huy, nội bộ đơn vị khi đó khá rối ren, phức tạp vì chỉ huy cũ bị kỷ luật. Việc đầu tiên mà ông quyết tâm thực hiện là ổn định tình hình nội bộ. Trực tiếp tham mưu cho Tỉnh ủy và Bộ Tư lệnh BĐBP những giải pháp sắc gọn và bản thân ông gương mẫu thực hiện vì danh dự của một người lính biên phòng, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến đã ghi “bàn thắng ngoạn mục” với việc được bầu làm Tỉnh ủy viên với số phiếu tuyệt đối.
Trong 3 năm 2019-2021, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến vinh dự được Bộ Quốc phòng tặng 3 bằng khen về những thành tích xuất sắc trong tham gia xây dựng Luật Dân quân tự vệ, Luật BPVN, thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước của Liên Hợp quốc về chống tra tấn và hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người; pháp luật Việt Nam về chống tra tấn trong quân đội” giai đoạn 2016-2020.
Với Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, một trong những tiêu chí của chỉ huy đồn biên phòng là phải thành thạo trong sử dụng, huấn luyện các loại hỏa lực. Nhiều chỉ huy cấp đồn mới đầu “lo sốt vó” trước những yêu cầu khắt khe của ông khi được “triệu” lên kiểm tra tác phong đội ngũ, điều lệnh… ở mọi cấp độ trong 6 tháng liên tiếp. Cho đến khi cán bộ quân sự và cán bộ chính trị đều đảm đương tốt cả hai vai trò thì mới được “cho qua” phần sát hạch này. Nhờ đó, từ các đồn, trạm cho đến khu vực cửa khẩu, cán bộ, chiến sĩ mỗi ngày một chuyên nghiệp hơn trong nhiệm vụ, góp phần xây dựng hình ảnh người lính “quân hàm xanh” chính quy nhưng rất đỗi gần gũi.
Những cống hiến của ông dù trên bục giảng hay nơi biên giới, dù ở thao trường hay tại các hội thảo nghiên cứu hàn lâm... luôn được đồng đội, học trò và đồng bào các dân tộc nơi biên giới ghi nhận trân trọng.
Dấu ấn trong Luật Biên phòng Việt Nam
Ngày 11/11/2020, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) với tỷ lệ rất cao. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022. Để có được thành quả nhằm “Thực hiện chính sách độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài với các nước có chung đường biên giới; mở rộng hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân” (Điều 3 Luật BPVN), Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến và các cộng sự đã mất 14 tháng 17 ngày để nghiên cứu, soạn thảo, chỉnh sửa, tranh luận về mặt pháp lý… với một số bộ, ngành, cơ quan.
Là một sĩ quan cao cấp quân đội, một nhà khoa học, một thầy giáo, Thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Hữu Chiến luôn tìm tòi, sáng tạo và không ngừng tư duy, xem xét từ vấn đề cụ thể để rút ra nhưng vấn đề lớn, bao trùm rồi tự đúc rút ra bài học và kinh nghiệm. Trong quá trình thực hiện, ông luôn đề ra yêu cầu cao với bản thân và luôn phấn đấu để hoàn thành mục tiêu ấy.
Ông thường xuyên đi khảo sát cơ sở, lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành và chính quyền, đoàn thể, nhân dân các tỉnh, thành biên giới để qua đó, hoàn chỉnh các văn bản pháp luật phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
“Ban đầu, khi trình Dự án Luật ra Quốc hội, đã có một số ý kiến trái chiều do chưa hiểu rằng đây là căn cứ pháp lý bảo vệ biên giới quốc gia và lợi ích dân tộc. Chúng tôi đã chứng minh, phân tích bằng những lý lẽ xác đáng nhất, dù mất rất nhiều thời gian, công sức. Biên phòng là tổng thể hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến nói.
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến thăm cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại các chốt biên giới An Giang. |
Với trọng trách được giao, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ký ban hành 3 văn bản quy phạm pháp luật gồm: Luật BPVN, Nghị định 96/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; Thông tư 173/2020/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết một số điều Nghị định 96/2020/NĐ-CP.
Ông cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị biên phòng tổ chức triển khai thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch. Từ 2019 đến nay, Bộ Tư lệnh BĐBP đã rà soát, phân loại gần 1.000 văn bản, qua rà soát đã đề nghị công bố hết hiệu lực gần 400 văn bản; đề xuất xử lý những văn bản có nội dung chồng chéo với các văn bản pháp luật liên quan; góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quân sự, quốc phòng, quản lý bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP.
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến chia sẻ: “Nhiệm vụ xây dựng, ban hành Luật BPVN vô cùng quan trọng. Do đó, tôi luôn xác định phải dốc hết thời gian, tâm huyết và tri thức để phối hợp với Ban soạn thảo hoàn thiện dự Luật đúng với mục đích, yêu cầu mà Ban Chỉ đạo đề ra. Đảm bảo chuyển hóa một cách sâu sắc, triệt để các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nguyên tắc, phương châm, phương thức bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới của Đảng vào thực tiễn xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia”.
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến đã tham gia đầy trách nhiệm trong chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động đối ngoại biên giới như các kỳ giao lưu hữu nghị, hoạt động kết nghĩa giữa các đơn vị BĐBP Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia. Nhiều thành tựu của BĐBP trong giai đoạn gần đây như tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phê duyệt Đề án Quy hoạch đồn, trạm Biên phòng đến năm 2021 và những năm tiếp theo; phê duyệt Đề án Tổ chức lực lượng BĐBP giai đoạn 2017-2021 và những năm tiếp theo... đều có đóng góp đáng ghi nhận của Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến.