-Xin ông cho biết vị trí, vai trò của công tác PBGDPL và việc triển khai công tác này trong Quân đội?
Xác định “Công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các tổ chức và mọi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội”. PBGDPL là cầu nối góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống. Thời gian qua, sau khi Luật PBGDPL được ban hành, cùng với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Vụ Pháp chế (Cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL Bộ Quốc phòng) đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho Hội đồng Phối hợp PBGDPL Bộ Quốc phòng để Hội đồng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện công tác này, nhanh chóng đưa pháp luật vào cuộc sống. Công tác PBGDPL đã đạt nhiều kết quả; góp phần quan trọng giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân đội; bảo đảm cho Quân đội luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Thiếu tướng Hàn Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng |
-Ông có thể chia sẻ những mô hình hay, cách làm sáng tạo, thiết thực của các cơ quan, đơn vị đối với việc PBGDPL cho cán bộ, chiến sĩ thời gian qua, đặc biệt những hoạt động này đã gắn với việc thực hiện Ngày pháp luật 9/11 như thế nào?
Luật PBGDPL ra đời tạo hành lang pháp lý để các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục nghiên cứu, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, tổ chức thực hiện PBGDPL bằng nhiều hình thức, mô hình sinh động, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân tham gia. Có thể kể đến một số hình thức nổi bật, như: Mít tinh; sân khấu hóa “Ngày Pháp luật”; lồng ghép PBGDPL vào biểu diễn văn nghệ, hoạt động của các tổ chức quần chúng, thông tin trong chào cờ hằng tuần...; Một số mô hình nổi bật, như: “Tổ Tư vấn tâm lý - pháp lý quân nhân”, “Mỗi tuần học một điều luật”, “Mỗi tuần 5 điều biết”, “ Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án”; “Chi đoàn không có cán bộ, đoàn viên, thanh niên vi phạm pháp luật, kỷ luật”, “Lớp học tự quản”, “Tuần Thanh niên tự quản”, “Phân xưởng kiểu mẫu, nhà xe kiểu mẫu”, “Tổ tuyên truyền pháp luật” được nhiều cơ quan, đơn vị duy trì, hoạt động đạt hiệu quả cao.
Sư đoàn 9,Quân đoàn 2 phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh tổ chức PBGDPL cho Nhân dân trên địa bàn |
Bên cạnh đó, các hình thức truyền thống, như: Tuyên truyền thông qua các thiết chế văn hóa ở cơ sở, truyền thanh nội bộ, pa-nô, áp phích, phổ biến trực tiếp, nói chuyện pháp luật... tiếp tục được phát huy mạnh mẽ ở nhiều cơ quan, đơn vị. Nhiều cơ quan, đơn vị đã nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL, PBGDPL thông qua cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, tủ sách pháp luật điện tử, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, thông tin pháp luật thông qua mạng xã hội… đã mang lại hiệu quả cao trong PBGDPL.
Các hoạt động này được các cơ quan, đơn vị tổ chức thường xuyên thông qua thực hiện Mô hình “Ngày Pháp luật hằng tháng” trong Quân đội; và được tổ chức sôi nổi, tích cực hơn trong dịp hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (9/11). Đây cũng là dịp để tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, thực hiện “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”.
- Ngày 30/7/2021 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 – 2027”, vậy để Quân đội phát huy vai trò trong thực hiện hiệu quả Đề án thì cần những giải pháp nào?
Ngay sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc. Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc đã nghiên cứu, ban hành Quy chế hoạt động, xác định rõ cơ chế hoạt động, phối hợp và phân công cụ thể về nhiệm vụ đối với từng thành viên. Tổ chức họp thảo luận, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong toàn quân triển khai thực hiện Đề án một cách hết sức bài bản và cụ thể. Các cơ quan, đơn vị đã xây dựng Kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Đề án bằng các hình thức phong phú, sinh động đạt hiệu quả cao.
Trung đoàn 82/BCHQS tỉnh Điện Biên phối hợp với Huyện đoàn Điện Biên/tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức Hội thi “Tuổi trẻ với pháp luật” |
Để vai trò của Quân đội thực sự phát huy hiệu quả thì cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với đặc thù, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và địa phương; trong đó có những giải pháp:
Một là, phải phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với việc triển khai thực hiện; xác định PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Quân đội; một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, của mọi cán bộ, chiến sĩ, đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng.
Hai là, tiếp tục phát huy những phẩm chất, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, tinh thần “vì Nhân dân phục vụ” và kết quả đã đạt được trong công PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật thời gian qua; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện; đồng thời, lồng ghép, kết hợp chặt chẽ với các chương trình, đề án, kế hoạch, các phong trào thi đua và các cuộc vận động tại địa phương để thực hiện Đề án.
Ba là, tăng cường công tác phối hợp giữa đơn vị quân đội với chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức trong thực hiện, nhất là việc lựa chọn nội dung, hình thức, công tác bảo đảm, huy động các nguồn lực, phương tiện trong thực hiện Đề án.
Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện ở các cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng, phương tiện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các đơn vị đóng quân ở địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những địa bàn nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân còn hạn chế.
Năm là, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong PBGDPL; coi trọng công tác kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm; kịp thời phổ biến, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong tổ chức thực hiện./.
-Trân trọng cám ơn ông!