Các nhà điều tra trước cửa Đại sứ quán Nga ở Athens, Hy Lạp. Ảnh: AFP
Bom thư gửi tới cả Tổng thống, Thủ tướng
Chỉ trong ngày 2/11, khoảng 12 bom thư có dấu bưu điện của Hy Lạp đã được phát hiện gần như đồng thời tại Berlin (Đức), Bologne (Italia), trong nhiều sứ quán của nước ngoài tại Athens (Hy Lạp) và tại sân bay.
Sau “làn sóng” bom thư chưa từng có này, đêm 2/11 rạng sáng ngày 3/11, chính quyền Hy Lạp đã phải tạm ngừng vận chuyển mọi thư tín qua đường không ra nước ngoài trong vòng 48 giờ để tiến hành kiểm tra.
Một gói đồ khả nghi được gửi từ Hy Lạp và có địa chỉ người nhận là Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã được phát hiện trên một chiếc máy bay tư nhân hạ cánh an toàn xuống sân bay Bologne (Italia), nguồn tin cảnh sát Hy Lạp cho biết.
Trong khi các chuyên gia đang tháo kíp nổ cố gắng mở gói đồ này, thì một gói đồ khác được tìm thấy trên một chiếc máy bay chở hàng đến từ Hy Lạp và có địa chỉ nơi nhận là Paris đã phát nổ, song không làm ai bị thương, hãng thông tấn Italia Ansa dẫn nguồn tin thân cận với các nhà điều tra cho biết.
Hy Lạp đã bắt giữ hai nghi phạm. Ảnh: AFP
Sau khi chiếc máy bay chở bom thư hạ cánh, sân bay Bologne đã tạm đóng cửa, song đã mở trở lại vào lúc 01h00 GMT (tức 07h00 giờ Việt Nam) hôm qua.
Chỉ trong vòng khoảng 2 ngày, từ 1/11 tới 3/11, tại Hy Lạp, tổng số 11 bom thư hoặc những gói đồ khả nghi bị phát hiện. Hôm 2/11, hai bom thư trong số này đã phát nổ tại các đại sứ quán Thụy Sĩ và Nga ở Athens, song ở mức độ nhỏ nên không gây thiệt hại về người. Trước đó, hôm 1/11, một bom thư khác cũng đã phát nổ tại một công ty vận chuyển.
Trước đó, tối 2/11, cảnh sát Hy Lạp thông báo đã hủy hai gói đồ đựng sách khả nghi tại sân bay Athens. Theo các phương tiện thông tin đại chúng, những gói đồ này có địa chỉ gửi đến là Europol có trụ sở tại Hà Lan và Tòa án Tư pháp châu Âu tại Luxembourg.
Một gói thuốc nổ khác cũng mang dấu bưu điện Hy Lạp được gửi tới Thủ tướng Đức Angela Merkel, song nó đã được tháo ngòi nổ tại Văn phòng Thủ tướng tại Berlin. Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière, ngòi nổ của bom thư này giống như ngòi nổ của bom thư gửi tới Đại sứ quán Thụy Sĩ ở Athens đã phát nổ sáng 3/11.
Cảnh sát Hy Lạp ưu tiên hướng điều tra nhắm vào một nhóm người duy nhất có thể thực hiện “làn sóng bom thư” này, song các nhà điều tra không thể chỉ ra một nhóm nào cụ thể.
Hôm 1/11, cảnh sát đã bắt giữ hai nghi phạm. Một trong hai nhân vật này là sinh viên khoa hóa 22 tuổi và một người khác 24 tuổi. Hai người này, đều có vũ khí, đã bị truy tố vì 4 tội danh, trong đó có tội danh “tham gia vào một tổ chức khủng bố” và “hành động khủng bố”.
Theo ông Theodore Papatheodorou, giáo sư về tội phạm học ở trường Đại học Peloponnese, những thông báo của cảnh sát liên quan tới Italia và Đức là một “lời kêu gọi” nhằm “thu hút sự chú ý của dư luận trên phạm vi toàn châu Âu” và “thông báo về một cuộc khủng hoảng” đang tấn công toàn châu Âu, mà trước hết là Hy Lạp.
“Làn sóng bom thư” nói trên xảy ra trong bối cảnh xã hội ở Hy Lạp đang hết sức căng thẳng, chỉ trước vài ngày cuộc bầu cử địa phương ở nước này. Thủ tướng Georges Papandreou đã lên án những hành động của những người “cố gắng gây rối vô ích sự bình yên của đất nước bằng những hành động tội phạm” và xâm hại “hình ảnh của Hy Lạp ở nước ngoài vào thời điểm đặc biệt khó khăn”.
Các Đại sứ quán tại Athens bị bom thư nhắm tới. Ảnh: AFP
Báo động cao ở Philippines
Hôm qua, Philippines đã tăng cường an ninh tại thủ đô Manila sau cảnh báo của nhiều nước phương Tây về nguy cơ khủng bố.
Mỹ, Anh, Canada và Australia khuyến cáo công dân nước mình hãy cẩn thận khi tới những nơi công cộng hay được du khách lui tới như các trung tâm thương mại, sân bay vốn là các mục tiêu tấn công tiềm tàng của bọn khủng bố.
Bộ Ngoại giao Australia hôm qua tuyên bố: “Những thông tin đáng tin cậy cho thấy nhiều vụ tấn công khủng bố sắp xảy ra tại Manila, đặc biệt tại những nơi thường xuyên có khách du lịch qua lại”.
Theo Mỹ, các nước phương Tây tăng cường cảnh giác với những vụ tấn công, sau khi phát hiện nhiều bom thư của Al Qaeda được gửi đi từ Sanaa và bị phát hiện tại các sân bay Dubai và Đông Midlands, Anh, cuối tháng 10.
Trong khi đó, phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Philippines Edwin Lacierda tuyên bố: “Cảnh báo gửi tới du khách (…) nằm trong khuôn khổ cảnh báo quốc tế về những hoạt động khủng bố có thể xảy ra, chứ không chỉ tại Philippines”.
Ông Lacierda cũng nói thêm: “Chúng tôi đã làm việc với các đồng minh nhằm kiểm tra thông tin tình báo và phối hợp tìm đáp án trong trường hợp cần thiết. Để phòng ngừa, mức độ cảnh báo đã được nâng lên đối với lực lượng vũ trang và cảnh sát quốc gia tại thủ đô (Manila)”.
Cảnh sát và quân đội Philippines đã được trong tình trạng báo động đỏ, điều đó có nghĩa là các binh lính không được rời khỏi các doanh trại để sẵn sàng chiến đấu nếu cần.
Tại Philippines, đa số các vụ tấn công và bắt cóc xảy ra ở miền Nam đất nước, đặc biệt là trên đảo phía Nam Mindanao. Nhiều phong trào ly khai hoạt động tại đây, đặc biệt là phong trào của người Hồi giáo mà nhóm Abu Sayyaf bị chính quyền cáo buộc có quan hệ với Al Qaeda.
Thủy Thu (Theo AFP, CNN)