Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ pháp lý nói riêng. Trong đó phải kể đến việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế mà Chính phủ đang thảo luận cũng đặt ra vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có nội dung về hỗ trợ pháp lý.
Tại 2 Nghị quyết nêu trên, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường triển khai hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Hiện Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo báo cáo rà soát các vấn đề pháp lý liên quan đến dịch COVID-19, trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung 36 văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, thông qua Diễn đàn, Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú mong muốn các đại biểu sẽ trao đổi, thảo luận khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang phải đối mặt đồng thời lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, tổ chức để hoàn thiện dự thảo Báo cáo và kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền.
Tham dự diễn đàn, các đại biểu đã được nghe kết quả rà soát, nhận diện các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trước tác động mạnh mẽ, dài hạn của đại dịch COVID-19. Từ đó, nêu lên các ý kiến, đề xuất về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết số 105, Nghị quyết số 68 của Chính phủ; giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến xử lý vi phạm hành chính; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; xử lý vấn đề tồn đọng, điểm nghẽn, giảm thiểu thủ tục, chi phí sản xuất, kinh doanh; chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp…
Liên quan đến thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, sau 1 tháng triển khai Nghị quyết, rào cản lớn nhất là quy định của các địa phương không thống nhất, trong đó có việc quy định xét nghiệm với khách du lịch trước khi đến địa phương; có địa phương quy định lại thay đổi liên tục.
Đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội vận tải nêu, vấn đề taxi phải dừng hoạt động do giãn cách xã hội nhưng lệ phí giao thông, lệ phí môi trường vẫn phải đóng…
Đại diện Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam (KOTRA Việt Nam) đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các chính sách phòng, chống dịch với ưu tiên hàng đầu cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, điều này giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên một số doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn gặp khó khăn cần hỗ trợ, KOSTRA Việt Nam đề nghị đẩy nhanh giấy phép nhập cảnh cho các nhà đầu tư, cán bộ, nhân viên công ty Hàn Quốc vào Việt Nam làm việc.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đề xuất việc nhập cảnh của nhà đầu tư cần ngắn gọn hơn cho người đã có thẻ cư trú vào Việt Nam; giảm thời gian cách ly cho chuyên gia đã tiêm đủ vaccine; cần sự thống nhất trong áp dụng chính sách cách ly tại các địa phương để duy trì sản xuất…
Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 nêu rõ:
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan sớm cho phép doanh nghiệp dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ pháp lý, trong đó có giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” quy định:
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan đề xuất tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, sửa đổi các quy định của pháp luật không còn phù hợp, gây vướng mắc, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh;
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất việc áp dụng các quy định xử phạt vi phạm hành chính do hoàn cảnh khách quan, ảnh hưởng của dịch COVID-19.