Cụ thể, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng khá cao ở tất cả các lĩnh vực; tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đều tăng.
Những hành động quyết liệt, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có tác động ngay tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý đầu tiên của năm 2022 với nhiều kết quả khởi sắc, tiếp tục quỹ đạo phục hồi.
Đầu tiên phải kể đến các giải pháp về miễn giảm thuế, phí, lệ phí và hỗ trợ lãi suất; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất phù hợp; hay việc hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc một số ngành, lĩnh vực… là phương thức hợp lý và khoa học, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa bảo đảm sử dụng tối đa nguồn lực, đồng thời phù hợp với cơ chế thị trường.
Tiêu dùng nội địa (vốn đóng góp khoảng 68-70% trong GDP) có khả năng tăng cao nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện. Khu vực tư nhân và FDI cũng khôi phục sản xuất kinh doanh nhờ sự "hồi sinh" từ cả phía cung, cầu, sự thích ứng của khu vực doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.
Thêm vào đó, tác động trực tiếp của các gói hỗ trợ kinh tế sẽ rõ nét hơn. Việt Nam sẽ có thêm cơ hội phục hồi thông qua hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ và linh hoạt trên cơ sở phân bổ thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội; áp dụng kỹ thuật số, để nhanh chóng xác định những người dễ bị tổn thương; mở rộng quy mô thanh toán điện tử, để tiếp cận một cách hiệu quả những người thụ hưởng đã được xác định.
Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 290/CĐ-TTg đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ cấp bách triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng “nhận diện” nhiều nhiệm vụ đến nay còn chậm, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra tại Chương trình. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, cơ quan chậm hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong tháng 3/2022 nghiêm túc rút kinh nghiệm, không được để tiếp tục chậm trễ. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định, Thông tư… phải sửa đổi được Thủ tướng nêu cụ thể.
“Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…”, là tinh thần được nêu trong Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Không thể phục hồi và phát triển nếu còn nguyên đó rào cản.