Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua hơn 12 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 - 2020 và 11 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của BCHTW Đảng khoá XI, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hệ thống quốc lộ cơ bản đã hoàn thiện, gồm các trục dọc, trục ngang, trục hướng tâm cũng như hệ thống đường vành đai, kết nối thuận lợi với hệ thống cao tốc và đường địa phương; các trục quốc lộ cơ bản đã kết nối đến các cảng biển loại I và các cửa khẩu quốc tế, thuận lợi cho giao lưu đối ngoại. Nhiều công trình trọng điểm, hiện đại đã được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, như các tuyến cao tốc: Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Móng Cái, La Sơn - Túy Loan... đến nay đã phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực có tuyến đi qua.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai áp dụng các quy định của pháp luật vào thực tiễn đầu tư phát triển các dự án đường bộ bao gồm cả phương thức đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã bộc lộ những vướng mắc, phát sinh đòi hỏi cần được điều chỉnh, hoàn thiện, nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy, đa dạng hoá và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ngân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương cũng như nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân, các tổ chức tín dụng.
Toàn cảnh phiên họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. |
Vì vậy, nhằm cụ thể hoá các chủ trương của Đảng và khơi thông nguồn lực phát triển các dự án đường bộ (quốc lộ, cao tốc, tỉnh lộ...) làm tiền đề cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời trên cơ sở chính trị, thực tiễn, ý kiến của các Bộ, địa phương, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ theo trình tự, thủ tục rút gọn của Luật Ban hành VBQPPL. Sau thời gian thí điểm, Chính phủ sẽ chỉ đạo tổng kết, đánh giá làm cơ sở để hoàn thiện các luật có liên quan trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Tại Dự thảo Nghị quyết này, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quy định thí điểm 03 chính sách về: tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP; giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa phương; giao cho 1 địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ vốn cho địa phương khác, thuộc thẩm quyền của Quốc hội khác với quy định hiện hành hoặc chưa có quy định tại các VBQPPL.
Nhất trí cần thiết phải ban hành Nghị quyết, bà Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang đề nghị cần làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng đường bộ tại quy định hiện hành. Đồng thời tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị quyết, ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định này thành “Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, chấp thuận về việc đầu tư thực hiện dự án” và rà soát các dự án đầu tư đang được thực hiện để quy định điều khoản chuyển tiếp phù hợp.
Cùng quan điểm, đại diện Bộ Giao thông vận tải bổ sung thêm, về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, hiện nay dự thảo đang quy định đối với các dự án giao thông đường bộ đi qua các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và các dự án đi qua khu đô thị loại III trở lên, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không bao gồm chi phí bồi thường, giải phòng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, đồng chí đề xuất không giới hạn phạm vi dự án được áp dụng cơ chế trên để tăng hiệu quả huy động vốn tham gia dự án PPP.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận buổi làm việc. |
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá các nội dung trong hồ sơ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cơ bản đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các thành viên Hội đồng. Về kỹ thuật soạn thảo, Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, thống nhất các thuật ngữ sử dụng trong Nghị quyết và cân nhắc bỏ khoản 2 Điều 8 quy định về các trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, Nghị quyết khác của Quốc hội; đồng thời bổ sung đánh giá các điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành Nghị quyết. Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến của thành viên Hội đồng và tiếp tục thực hiện lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương.