Ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ em
Theo một kết quả nghiên cứu tại Việt Nam, trẻ em là con của các đối tượng thuộc bộ phận người dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời tại các vùng núi cao, ít quan hệ với bên ngoài, nhưng do phong tục, tập quán, trình độ dân trí, nhận thức còn hạn chế nên không có bất kỳ giấy tờ nào, kể cả giấy tờ tùy thân, giấy tờ hộ tịch. Ngoài ra, có nhiều trường hợp trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài hiện đang sinh sống tại Việt Nam và chưa được đăng ký khai sinh, xác định quốc tịch Việt Nam.
Đối với trẻ em là con người di cư tự do sinh ra tại Campuchia, cha mẹ không có giấy tờ chứng minh về quốc tịch, hiện vẫn cho phép đăng ký khai sinh nhưng phần ghi về quốc tịch của trẻ và của cha, mẹ trẻ trong Giấy khai sinh tạm thời để trống. Tuy nhiên, do Giấy khai sinh của trẻ bị bỏ trống phần ghi về Quốc tịch nên những trẻ em này chưa được hưởng quyền lợi về cư trú, bảo hiểm y tế, giáo dục như công dân Việt Nam.
Không chỉ vậy, đa số người di cư tự do chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Do đó, nhiều trẻ em sinh ra không được đăng ký khai sinh, không có quốc tịch, không được nhập học các bậc học phổ thông theo lứa tuổi. Đến khi trưởng thành thì không có giấy tờ chứng minh nhân thân (hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân) nên đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn, không thể thực hiện được các giao dịch dân sự cũng như xin đi làm ở các doanh nghiệp. Vì vậy, họ chỉ làm thuê cho cá nhân với công việc chân tay nặng nhọc nhưng thu nhập thấp, ít có cơ hội được hưởng các quyền lợi, chính sách an sinh xã hội.
Trên cơ sở khảo sát sơ bộ của Bộ Tư pháp kể từ năm 2013 – 2016, có thể thấy tại nhiều các tỉnh/thành phố trên cả nước, chủ yếu ở những tỉnh có chung đường biên giới với Lào và Campuchia, đều có trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài đang sinh sống. Theo đó, có gần 19.000 trẻ em thuộc nhóm đối tượng này và trong số đó có khoảng hơn 2.800 trẻ em chưa được đăng ký khai sinh. Đây là nhóm đối tượng trẻ em có thể được xác định là người không quốc tịch và/hoặc có nguy cơ rơi vào tình trạng không quốc tịch.
Có thể thấy, tình trạng trẻ em không có quốc tịch đang gây ra nhiều khó khăn không chỉ đối với cuộc sống của trẻ, của gia đình nói riêng mà còn đối với công tác quản lý dân cư nói chung của chính quyền địa phương, đặc biệt tại các tỉnh khu vực biên giới.
Đi tìm giải pháp
Nhằm hạn chế tối đa tình trạng trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch năm 2008, tính đến tháng 5/2019, trong tổng số 5.510 trẻ em là con của người di cư tự do, đến nay đã có 2.768 trẻ được đăng ký khai sinh và xác định quốc tịch Việt Nam. Như vậy, có thể nói, việc triển khai thi hành Luật Quốc tịch và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến quyền trẻ em thời gian qua đã bảo đảm tối đa quyền có quốc tịch của trẻ em.
Đặc biệt, một số quy định của Luật Quốc tịch năm 2008 (Điều 17, Điều 18) đã tạo thuận lợi cơ bản cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà có cha mẹ là người không quốc tịch hoặc không rõ cha mẹ là ai, thì được xác định có quốc tịch Việt Nam. Điều đó đã góp phần quan trọng bảo đảm cho trẻ em không bị rơi vào tình trạng không quốc tịch trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo hơn nữa quyền lợi hợp pháp cho trẻ em, đại diện Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đề xuất tách thủ tục quốc tịch ra khỏi việc cấp Giấy khai sinh.
Được chọn làm thí điểm để đăng ký cho những người đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam, ông Trần Khánh Dân (đại diện Sở Tư pháp tỉnh An Giang) cho biết: Thời gian qua, Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với Công an tỉnh và một số cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 192/KH-UBND về việc triển khai thực hiện việc cấp Thẻ thường trú cho người di cư tự do và cấp Giấy khai sinh cho trẻ em là con của người di cư tự do từ Campuchia về An Giang,
Các cơ quan trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đăng ký khai sinh cho 619 trẻ em, gồm trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam, có cha, mẹ là người di cư tự do từ Campuchia về, là người không quốc tịch hoặc không có giấy tờ gì để xác định nhân thân; trẻ em sinh ra tại Việt Nam hoặc tại Campuchia mà cha mẹ của trẻ là người di cư tự do từ Campuchia về, đã được cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam…)
Để công tác triển khai thực hiện việc cấp Thẻ thường trú cho người di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam và cấp Giấy khai sinh cho trẻ em là con của người di cư tự do từ Campuchia về nước được thống nhất, hiệu quả trên địa bàn tỉnh An Giang, ông Dân đã đề xuất một số phương án. Cụ thể như hướng dẫn quy trình đăng ký hộ tịch đối với các trường hợp đã được cấp Thẻ thường trú/những trường hợp không có giấy tờ tùy thân nhưng chưa được cấp Thẻ thường trú; phối hợp với Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn về việc quản lý cư trú đối với những trường hợp đã được cấp thẻ thường trú; hướng dẫn về việc tiếp nhận trẻ em là người không quốc tịch được tham gia học tập tại các trường học như công dân Việt Nam…