Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 67 tổ chức ĐGTS, bao gồm Trung tâm Dịch vụ ĐGTS và 66 doanh nghiệp ĐGTS. Nhìn chung, số lượng tổ chức ĐGTS và đấu giá viên hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu ĐGTS của cá nhân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn Thành phố. Sở Tư pháp đã thực hiện việc đăng ký hoạt động, kịp thời hướng dẫn các tổ chức ĐGTS thực hiện các thủ tục có liên quan đảm bảo theo đúng quy định của Luật ĐGTS và các văn bản hướng dẫn thi hành; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ đấu giá viên ngày càng được quan tâm, chú trọng và nâng cao, góp phần vào việc đảm bảo an toàn pháp lý trong việc xử lý tài sản, phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá.
Các tổ chức ĐGTS quan tâm thực hiện các quy định pháp luật đấu giá trong việc đề nghị cấp thẻ đấu giá viên, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp ĐGTS trong thời gian chuyển tiếp; đóng góp ý kiến xây dựng các dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành Luật ĐGTS. Các tổ chức ĐGTS cũng chủ động, phối hợp với các cơ quan thi hành án và các đơn vị khác có liên quan trong việc tổ chức thực hiện ĐGTS trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động ĐGTS vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Như: Việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề ĐGTS chưa thực hiện được vì chưa có tổ chức xã hội – nghề nghiệp của đấu giá viên ở Trung ương và trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, xảy ra nhiều trường hợp tài sản được đấu giá có giá khởi điểm thấp hơn chi phí các địa phương tổ chức thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá, từ đó gây lúng túng, khó khăn trong việc tiến hành bán tài sản tịch thu sung công của các địa phương trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh đó, việc chấp hành chế độ báo cáo của các tổ chức ĐGTS vẫn còn hạn chế, tình trạng thực hiện báo cáo trễ hạn vẫn phổ biến và phụ thuộc nhiều từ sự đôn đốc, nhắc nhở của cơ quan quản lý; việc sử dụng Cổng thông tin điện tử quốc gia về ĐGTS do Bộ Tư pháp triển khai thực hiên một số thời điểm gặp sự cố lỗi hệ thống, lỗi kết nối, thông tin cập nhật các tổ chức ĐGTS chưa chính xác… gây ảnh hưởng đến công tác quản lý địa phương và hoạt động ĐGTS.
Theo Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân là do thể chế pháp luật về tổ chức, hoạt động ĐGTS mặc dù đã từng bước hoàn thiện, nhưng vẫn còn một số quy định chuyên ngành về đấu giá từng loại tài sản chưa kịp sửa đổi, bổ sung, thay thế sau khi Luật ĐGTS được ban hành dẫn đến nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau, gây lúng túng cho các cơ quan, tổ chức thực hiện. Do cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động quản lý ĐGTS đôi lúc chưa kịp thời và chưa thật sự đạt được những hiệu quả như mong muốn.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện pháp luật về ĐGTS và công tác quản lý nhà nước về ĐGTS trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ chú trọng vào việc nâng cao chất lượng hoạt động hành nghề đấu giá; chú trọng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về ĐGTS cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; thường xuyên đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ĐGTS. Đồng thời tiếp tục công tác phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về ĐGTS; tăng cường thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại về hoạt động ĐGTS.
Qua đó, Sở cũng đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét, sớm đề xuất Quốc hội dự án xây dựng Luật ĐGTS sửa đổi, bổ sung và đề xuất hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến ĐGTS; thực hiện đầu tư nâng cấp Cổng Thông tin điện tử quốc gia về ĐGTS để đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ ĐGTS ngày càng nhiều của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Quan tâm việc hướng dẫn thành lập tổ chức xã hội – nghề nghiệp của đấu giá viên cũng như bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề cho đấu giá viên; Xem xét, sớm ban hành bộ tài liệu bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, việc tuân thủ pháp luật, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ đấu giá viên. Tiếp tục hoàn thiện, cập nhật đầy đủ dữ liệu về tổ chức và hoạt động ĐGTS trên phần mềm quản lý thông tin ĐGTS đáp ứng yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước về ĐGTS từ Trung ương đến địa phương.