Vừa qua, tại thành phố New York (Mỹ), trong khuôn khổ chuyến công tác Mỹ của đoàn đại biểu Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao đổi văn kiện hợp tác giữa UBND thành phố Hải Phòng và các doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Mỹ về việc nghiên cứu phát triển dự án Cảng tổng hợp Nam Đồ Sơn.
Trong chương trình hoạt động song phương, tại buổi làm việc với một số doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ và thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao đổi văn kiện hợp tác giữa UBND thành phố Hải Phòng cùng Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT), Công ty Energy Capital Vietnam (ECV) với Cảng Los Angeles - Mỹ (POLA).
Thông qua thỏa thuận hợp tác này, các bên sẽ cùng nhau nghiên cứu phát triển dự án Cảng tổng hợp Nam Đồ Sơn tại thành phố Hải Phòng, xây dựng cảng Nam Đồ Sơn trở thành cảng cửa ngõ hiện đại, nơi trung chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến trao thỏa thuận hợp tác giữa thành phố Hải Phòng và các doanh nghiệp Việt Nam - Mỹ. Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị KBC đại diện KBC tham dự sự kiện này (Ảnh: TTXVN)
Việt Nam có hơn 3.000 km bờ biển nhưng nơi phù hợp để làm cảng trung chuyển thì không nhiều. Điển hình, thành phố Hải Phòng có vị trí đặc biệt quan trọng của cả nước, nằm giữa hai hành lang kinh tế vùng; có cảng biển trọng điểm và đầy đủ 5 phương thức vận tải giao thông.
Theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng cần sớm trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển hiện đại, thông minh và bền vững.
Cụ thể hóa hơn nữa, trong quy hoạch chung của thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh theo Quyết định 323/QĐ-TTg, đường hướng phát triển cảng biển Hải Phòng là mở rộng cảng Nam Đồ Sơn thành cảng cửa ngõ, kết hợp trung chuyển quốc tế, phục vụ quốc phòng - an ninh.
Theo quy hoạch, khu bến Nam Đồ Sơn sẽ có năng lực đón tàu container sức chở đến 18.000 TEU, tàu tổng hợp, hàng rời đến 200.000 tấn, tàu hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn, tàu khách đến 225.000 GT.
Đồng thời, khu bến này sẽ ưu tiên xây dựng các bến cảng phục vụ CCN tại khu vực và bến cảng trung tâm điện khí phù hợp quy hoạch tổng thể về năng lượng, quy hoạch phát triển điện lực, phục vụ di dời các bến cảng trên sông Cấm.
Tại Mỹ, cảng Los Angeles (POLA) còn gọi là Cảng quốc tế Los Angeles là một tổ hợp cảng chiếm diện tích lên tới 7.500 acres (3.000 ha) cùng 69 km chiều dài của bờ sông. Cảng nằm trên vịnh San Pedro ở San Pedro, cách trung tâm thành phố Los Angeles khoảng 32 km về phía Nam.
Đây là một trong những cảng biển lớn nhất tại Mỹ, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại và giao thương quốc tế. Quy mô và cơ sở hạ tầng Cảng bao gồm khoảng 3.000 ha đất và nước; có 27 nhà ga hàng hóa, bao gồm nhà ga hàng container, hàng rời khô, hàng rời lỏng và các cơ sở xử lý ô tô.
Bên cạnh đó, cảng Los Angeles là một trong những cảng container hàng đầu tại Bắc Mỹ với mạng lưới phức tạp các nhà ga hàng container, được trang bị công nghệ và cơ sở hạ tầng tiên tiến để xử lý hàng container một cách hiệu quả.
Cảng có tổng cộng 80 cầu cảng và nhà ga hàng container, bao gồm cả cầu cảng container lớn nhất tại Mỹ, APM Terminals Pier 400. POLA xử lý một lượng hàng hóa đáng kể, đặc biệt là với các quốc gia châu Á. Cảng đóng vai trò cửa ngõ cho hàng hóa từ và đi các nước ven biển Thái Bình Dương.
Cảng Los Angeles tạo ra hoạt động kinh tế và cơ hội việc làm đáng kể cho vùng lân cận. Không chỉ vậy, Cảng Los Angeles còn cam kết thực hiện các biện pháp bền vững và chăm sóc môi trường. Cảng đã triển khai nhiều chương trình và sáng kiến nhằm giảm khí thải, cải thiện chất lượng không khí và thúc đẩy công nghệ sạch. Những nỗ lực này bao gồm việc sử dụng điện bờ cho tàu, sử dụng thiết bị không phát thải và triển khai Chương trình Xe tải Sạch để giảm khí thải từ xe tải.
Cùng với đó, Cảng liên tục đầu tư vào cải thiện hạ tầng và các dự án mở rộng nhằm nâng cao hiệu quả và công suất. Các dự án này bao gồm làm sạch và đào sâu kênh để phục vụ tàu lớn hơn, nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt để cải thiện vận chuyển hàng hóa và phát triển nhà ga mới để đáp ứng nhu cầu trong tương lai.