Tại Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng chính phủ với DN mới diễn ra đầu tuần, Thủ tướng đã đề nghị các DN nêu các khó khăn, trở ngại, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, quy hoạch, tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, vốn tín dụng, sử dụng lao động, tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ, các thủ tục hành chính, thuế, hải quan, cung cấp điện nước…
Đặc biệt là vấn đề thanh tra, kiểm tra chồng lấn kéo dài, gây khó khăn cho DN như thế nào, kể cả tình trạng các cơ quan quản lý Nhà nước dọa nạt DN khi DN có ý kiến trái chiều hay phản biện chính sách.
Thủ tướng cũng nhắc đến sự trì trệ của nhiều sở, ngành ở địa phương, đá qua đá lại, chậm chạp. Đồng thời đề nghị DN chỉ rõ văn bản nào của bộ, ngành nào bất hợp lý, mâu thuẫn, chồng chéo, gây cản trở, không phù hợp với môi trường kinh doanh, thông lệ quốc tế, cơ quan nào gây nhũng nhiễu, phiền hà cho DN…
Người đứng đầu Chính phủ đã “mở cửa” để mọi khó khăn, phiền nhiễu DN buộc phải… thoái lui.
Tuy nhiên, từ Hội nghị đến thực tiễn là cả một khoảng cách khá xa.
DN hàng ngày vẫn phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính, phải tiến hành gặp gỡ chính quyền, phải làm các thủ tục “đầu tiên” như bao lâu nay vẫn xảy ra.
Giám đốc một DN nhà nước đã từng thốt lên với cơ quan chức năng “các ông để cho lứa trẻ được trong sáng đã, đừng vội bắt chúng phải học thói quen “đầu tiên” khi vừa bước vào môi trường kinh doanh”.
Rõ ràng, Hội nghị mới đây không phải là Hội nghị đối thoại đầu tiên giữa Thủ tướng và DN nhưng DN vẫn cứ gặp vấn đề khi tiếp cận với chính quyền, với cơ quan chức năng.
Do đó, việc nhũng nhiễu, phiền hà, làm khó DN vẫn có thể xảy ra dù Thủ tướng đã đăng đàn nói rất rõ ràng. Người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các cấp phải tạo điều kiện cho DN phát triển, kinh doanh.
Nhưng phải chăng do “trên nóng, dưới lạnh” nên DN vẫn cứ gặp khó?
Có cách nào để chấm dứt hiện tượng “trên nóng dưới lạnh” mà dư luận báo chí vẫn lên tiếng từ nhiều năm nay, kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra quan điểm Chính phủ kiến tạo cho nhiệm kỳ của mình?
Chính là việc thành lập đường dây nóng kết nối giữa Thủ tướng với DN, để hễ DN gặp khó ở đâu thì có thể thông báo đến đường dây nóng ngay lập tức. Giải quyết sau các cuộc điện thoại này cần tức thời để đường dây nóng thực sự nóng.
Thực tế đã có nhiều đường dây nóng được thành lập ở các Bộ, ngành nhưng hiệu quả của đường dây nóng đến đâu vẫn chưa được báo cáo cụ thể. Thậm chí, ở nhiều Bộ, ngành đường dây nóng đã trở thành đường dây… nguội.
Tuy nhiên có thể tin rằng, với sự quyết liệt và quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ, với cách giải quyết của tổ giúp việc đường dây nóng, mọi thứ sẽ đi theo đúng lộ trình tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN mà Thủ tướng Chính phủ mong muốn.
Như vậy, liệu có cần thành lập đường dây nóng của Thủ tướng để những mong muốn Chính phủ kiến tạo được thực thi nhanh chóng hơn?