Theo quy định hiện hành tại Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì việc đăng ký hộ tịch được chia ra thực hiện ở cả cấp tỉnh, huyện và xã. Tuy nhiên, theo Dự thảo Luật Hộ tịch mới, tất cả mọi việc đều do cấp xã đăng ký, mà trực tiếp là do hộ tịch viên thực hiện.
Giao một cấp để dễ kiểm soát
Theo Dự thảo Luật mới, thì Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu giúp UBND cấp tỉnh chủ yếu thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương, chịu trách nhiệm tổ chức hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch tại địa phương, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn công tác hộ tịch tại địa phương, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tại cấp tỉnh.
Phòng Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chỉ đạo, kiểm tra hướng dẫn cấp cơ sở về chuyên môn, nghiệp vụ. Còn UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hộ tịch tại địa phương. Hộ tịch viên cấp xã sẽ thực hiện đăng ký tất cả các việc về hộ tịch trên địa bàn và quản lý dữ liệu hộ tịch của cấp xã.
Ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ hành chính Tư pháp (Bộ Tư pháp), Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật Hộ tịch giải thích: điểm mới trong phân cấp nhiệm vụ đăng ký hộ tịch theo Dự thảo Luật so với hiện nay là theo quy định hiện hành thì các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài do cấp tỉnh giải quyết; các việc thay đổi cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, cấp lại bản chính Giấy khai sinh cho người bị mất hoặc hư hỏng bản chính giấy khai sinh do UBND cấp huyện giải quyết. Dự thảo Luật dự kiến giao tất cả các việc đăng ký hộ tịch cho hộ tịch viên đăng ký.
“Xét về tính chất, thì tất cả các việc đăng ký hộ tịch đều là việc dân sự, do đó cần tạo điều kiện cho người dân đến nơi gần với họ nhất (cấp xã)”, ông Trần Thất lý giải. “Những năm qua, vì công tác hộ tịch còn nhiều hạn chế, trong đó đặc biệt là do trình độ cán bộ làm công tác hộ tịch còn hạn chế nên Chính phủ đã phân cấp một số nhiệm vụ đăng ký hộ tịch cho cấp tỉnh và huyện giải quyết. Tuy nhiên, việc phân ra nhiều cấp như vậy dẫn đến tình trạng dữ liệu hộ tịch bị phân tán không kiểm soát được”, ông Thất nói thêm
Hộ tịch viên tự quyết hay phải thông qua lãnh đạo UBND?
Quá trình xây dựng Dự án Luật hộ tịch có ý kiến nghi ngại, nếu giao tất cả các việc về cấp xã (kể cả những việc có yếu tố nước ngoài mà hiện nay cấp tỉnh đang làm) thì hộ tịch viên liệu có đủ trình độ năng lực để làm. Tuy nhiên vấn đề này, Bộ Tư pháp lý giải, phân cấp sẽ có lộ trình. Mặt khác, khi đã xây dựng được đội ngũ hộ tịch viên chuyên nghiệp, được đào tạo kỹ lưỡng (khác với tình trạng kiêm nhiệm của cán bộ tư pháp hiện nay) thì có thể yên tâm.
Cũng có ý kiến cho rằng một số việc cần phải thông qua Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND giải quyết trước, sau đó hộ tịch viên mới được đăng ký. Cụ thể, cần phân biệt thành 3 loại việc đăng ký: Thứ nhất: hộ tịch viên có thẩm quyền đăng ký các sự kiện khách quan như sinh, tử. Thứ 2: hộ tịch viên có quyền căn cứ vào các quyết định của cơ quan có thẩm quyền như: quyết định của Chủ tịch nước cho nhập, cho trở lại, cho thôi quốc tịch; quyết định (bản án) của Tòa án về ly hôn; quyết định của Tòa án tuyên bố một người đã chết… để đăng ký vào sổ hộ tịch, không cần báo cáo UBND. Loại thứ 3: hộ tịch viên chỉ được đăng ký sự kiện hộ tịch khi đã có quyết định của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch cấp xã giải quyết, như: việc nuôi con nuôi, việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc…
Phương án này được nhiều ý kiến đồng tình vì cho rằng trong bối cảnh hiện nay nếu giao cùng lúc để hộ tịch viên quyết tất cả các loại việc thì xem ra hơi “mạo hiểm”, mà cần có thời gian chuyển giao để tiếp tục kiện toàn, nâng cao trình độ.
Huy Hoàng