Phiên xét xử sơ thẩm lần 2 |
Tăng số tiền tham ô nhưng... giảm hình phạt
Bà Nguyễn Thị Bạch Yến được lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Ôn giao nhiệm vụ văn thư kiêm thủ quỹ của đơn vị từ năm 1987 đến năm 2000. Trong quá trình thực hiện công vụ, bà Yến để “thất thoát” công quỹ. Thanh tra tỉnh Vĩnh Long phát hiện có dấu hiệu tham ô nên ngày 29/7/2005 cơ quan này đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long giải quyết.
Ngày 08/8/2006, bà Yến bị khởi tố và bắt tạm giam về tội tham ô tài sản. Sau gần 4 năm điều tra đi điều tra lại, cuối cùng ngày 28/5/2010, TAND huyện Trà Ôn đã mở phiên tòa xét xử và tuyên bà phạt bà Yến 5 năm tù giam về tội “Tham ô tài sản” với số tiền chiếm đoạt là hơn 60 triệu đồng. Không đồng ý với bản án, bị cáo kêu oan và Phòng GD&ĐT cũng kháng cáo yêu cầu bà Yến phải bồi thường thêm cho đơn vị này hơn 280 triệu đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 25- 26/10/2010, TAND tỉnh Vĩnh Long nhận định, có dấu hiệu của tội “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khi sử dụng tiền công quỹ tại Phòng GĐ và ĐT huyện Trà Ôn và còn nhiều số liệu chưa được cấp sơ thẩm làm rõ. Vì vậy, HĐXX phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Sau 6 tháng điều tra lại, CQĐT huyện Trà Ôn kết luận, bà Yến chiếm đoạt hơn 86 triệu đồng nên tiếp tục đề nghị truy tố về tội “Tham ô tài sản”. Kết luận điều tra và cáo trạng xác định, trong thời gian làm nhiệm vụ, bà Yến chi hơn 258 triệu đồng nhưng chưa quyết toán. CQĐT đã chấp nhận 7 khoản chi với tổng số tiền hơn 172 triệu đồng, số tiền còn lại không được chấp nhận và nên bà Yến bị quy kết là tham ô số tiền này.
Lần thứ 2 xét xử, TAND huyện Trà Ôn vẫn xác định bị cáo Nguyễn Thị Bạch Yến phạm tội “Tham ô tài sản”, với số tiền hơn 86 triệu đồng. Mặc dù xác định bị cáo tham ô nhiều tiền hơn so với lần xét xử trước nhưng Tòa chỉ xử phạt bà Yến mức án 3 năm 6 tháng tù, nhẹ hơn so với bản án 5 năm tù trước đó.
Những vấn đề cần phải làm rõ
Việc tăng số tiền tham ô nhưng lại giảm hình phạt đối với bị cáo không phải là điều “lạ” nhất trong quyết định lần thứ 2 của Tòa. Phòng Giáo dục và Đào tạo còn thấy “lạ” là khoản nợ hơn 280 triệu đồng của cơ quan này đối với các tổ chức, cá nhân khác phát sinh trong thời gian bà Yến làm thủ quỹ lại không được các cơ quan tố tụng điều tra, làm rõ để xem xét trách nhiệm các cá nhân liên quan, trong đó có bà Yến. Vậy thì Nhà nước sẽ trả nợ khoản tiền này bằng ngân sách?
Đối với số tiền hơn 56 triệu đồng mà các cá nhân tạm ứng nằm trong quỹ “tự có” của phòng cũng chưa được làm rõ và xử lý. Theo hồ sơ vụ án, một số người khai rằng số tiền họ tạm ứng đã được lãnh đạo phòng đã duyệt cho rồi nên họ không trả lại cho thủ quỹ, còn có quyết toán hay không là chưa rõ. Luật sư Lôi Thị Dung, bào chữa cho bị cáo cho rằng, số tiền này thực chất là “quỹ đen” của Phòng Giáo dục và Đào tạo. Nếu là “quỹ đen”, không phải là ngân sách nhà nước thì việc buộc tội bà Yến là tham ô tài sản cũng phải xem xét lại.
Qua vụ án cũng thấy nhiều vấn đề khác trong việc quản lý tài chính ở Phòng GĐ-ĐT huyện Trà Ôn, đặc biệt là việc hợp thức hóa chứng từ để quyết toán nhiều khoản chi của đơn vị này. Việc vi phạm nguyên tắc tài chính trong cơ quan nhà nước và những dấu hiệu của hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mà bản án phúc thẩm nhận định vẫn chưa được làm rõ.
Việc tăng tiền tham ô nhưng giảm hình phạt có phải là sự bất thường trong việc giải quyết vụ án không? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tuấn về vấn đề này.
Thưa ông, việc Tòa án xác định bị cáo tham ô nhiều hơn nhưng lại xử phạt nhẹ hơn có trái pháp luật hay không?
- Về nguyên tắc, việc xử phạt bị cáo mức hình phạt như thế nào phải căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, khung hình phạt cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo. Mặc dù lần thứ 2 xét xử, số tiền bị cáo bị quy kết có tăng nhưng vẫn nằm trong phạm vi khoản 2, điều 178 giống như lần thứ nhất.
Việc Tòa giảm hình phạt đối với bị cáo so với lần trước nhưng vẫn nằm trong phạm vi quy định của điều luật. Do đó, quyết định của Tòa là không trái pháp luật.
Việc Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu điều tra, xử lý tội “cố ý làm trái..” nhưng cấp sơ thẩm không giải quyết thì có thể tiếp tục bị hủy án không, thưa ông?
- Nguyên tắc làm việc của Tòa án là VKS truy tố tội gì thì xử về tội đó, nếu có dấu hiệu bỏ lọt tội thì có thể yêu cầu điều tra bổ sung. Nhưng nếu CQĐT, VKS không bổ sung, không truy tố thì tòa cũng không thể can thiệp.
Đối với cấp phúc thẩm cũng chỉ có quyền xét xử trong phạm vi cấp sơ thẩm đã xét xử, nếu thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì có thể hủy án để điều tra lại và làm rõ để đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nhưng nếu cấp sơ thẩm không điều tra, không truy tố và không xét xử thì cấp phúc thẩm cũng không thể “đòi hỏi” bằng việc tiếp tục hủy án mà chỉ được xem xét trong phạm vi kháng cáo, kháng nghị mà thôi.
Nếu tòa án cấp phúc thẩm thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm một cách cố ý thì có thể kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý việc bỏ lọt tội phạm này. Xin cảm ơn ông Xuân Bính (thực hiện) |
Bình Minh