Hành trình 'triệt xóa' đường dây lưu hành tiền giả quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Công an Yên Bái
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an toàn tỉnh Yên Bái đã đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Tội phạm về trật tự xã hội đã điều tra làm rõ 84 vụ; bắt giữ, xử lý 190 đối tượng, thu giữ 6 khẩu súng, 7 hộp tiếp đạn, 19 quả lựu đạn tập, thu hồi tài sản khoảng 439 triệu đồng; phát hiện, bắt giữ và thụ lý 46 vụ, 271 đối tượng có hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc, thu giữ hơn 140 triệu đồng và một số tang vật liên quan. Phát hiện và bắt giữ 147 vụ, 228 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 7,2kg heroin; 3,48kg ma túy tổng hợp; 1,9 kg thuốc phiện; 0,76 kg cần sa; 1,12 tỷ đồng…
Cuối tháng 12/2022, Đội Cảnh sát điều tra về hình sự, kinh tế, ma túy - Công an thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái bắt quả tang Trương Văn Phú (sinh năm 1982, trú tại Khu 6, phường Phú Thứ, thị xã Kim Môn, tỉnh Hải Dương) về hành vi tàng trữ tiền giả; thu giữ trên người Phú số tiền 3.510.000 đồng, trong đó có 4 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng, đều có số seri: RO 20219719 là tiền giả.
Sau khi tiếp nhận vụ án từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thị xã Nghĩa Lộ, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Yên Bái đã khẩn trương thu thập tài liệu, chứng cứ, ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Phú về hành vi “Tàng trữ tiền giả”.
Trước cơ quan điều tra, Phú đã khai nhận mua tiền giả của các đối tượng lạ mặt không rõ tên tuổi, địa chỉ trên mạng xã hội với thủ đoạn: Sử dụng tên tuổi, địa chỉ để đăng ký các tài khoản Zalo, Facebook giả, chọn địa điểm thực hiện giao dịch mua bán tiền giả vắng vẻ, ít người qua lại. Các đối tượng mua bán thường đeo khẩu trang để không nhận biết được nhau… khiến cho việc điều tra mở rộng vụ án để xác định đối tượng có liên quan, đối tượng làm tiền giả gặp rất nhiều khó khăn.
Những trinh sát, điều tra viên có bề dày kinh nghiệm đã được điều động vào cuộc. Các kế hoạch, phương án phối hợp với công an các đơn vị địa phương và các phòng nghiệp vụ đã được xây dựng chi tiết, việc thu thập thông tin về các đối tượng sử dụng các tài khoản Zalo, Facebook ảo trên mạng xã hội nghi vấn liên quan đến hoạt động mua bán tiền giả với Trương Văn Phú đã được tiến hành một cách khẩn trương, nhanh chóng nhất.
Thượng tá Nguyễn Thanh Nghị - Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra cho biết, đây là vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều tỉnh thành, có thể là đầu mối để mở rộng làm rõ triệt phá toàn bộ đường dây làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả liên tỉnh: "Chúng tôi đánh giá đây là nhiệm vụ khó khăn, chỉ cần một sơ xuất trong hoạt động điều tra các đối tượng đồng phạm có thể phát hiện và xóa mọi dấu vết, vật chứng, chứng cứ liên quan đến vụ án, tẩu tán công cụ, phương tiện thực hiện hành vi phạm tội… Vì vậy, công tác thu thập thông tin, rà soát các đối tượng nghi vấn có liên quan đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với công an các đơn vị địa phương, các phòng nghiệp vụ tiến hành một cách cẩn trọng, chắc chắn nhưng cũng phải đảm bảo tính nhanh chóng, chính xác, kịp thời".
Sau 45 ngày áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nơi thường trú của các đối tượng nghi vấn đã dần lộ diện. Lực lượng chức năng xác định đối tượng nghi vấn liên quan đến hoạt động mua bán tiền giả của Trương Văn Phú thông qua tài khoản Facebook “Hậu Nguyên”, Zalo “Hậu Quang” là Nguyễn Quang Hậu, sinh năm 1988, thường trú thôn Hội Xá, xã Tân Quang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Tổ công tác đã tiến hành triệu tập, yêu cầu đối tượng đến cơ quan Công an xã Tân Quang làm việc.
Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Quang Hậu thừa nhận: Vào tháng 7/2022, Hậu đã sử dụng 2.000.000 đồng tiền thật mua được 5.200.000 đồng của một đối tượng lạ mặt tại thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Sau đó Hậu mang đi tiêu thụ được 800.000 đồng tại các cửa hàng tạp hoá thuộc tỉnh Hải Dương. Do tiền giả có đặc điểm xấu, không thể tiếp tục tiêu thụ được nên Hậu đã vứt bỏ. Hậu chỉ biết các đối tượng giao bán tiền giả thông qua các tài khoản Zalo, Facebook ảo trên mạng xã hội. Ngoài ra Hậu còn giới thiệu tài khoản Zalo, Facebook ảo bán tiền giả trên mạng cho Trương Văn Phú.
Ngay sau khi xác định được địa chỉ có thể là nơi thường trú của chủ tài khoản “Pham Tien”, Zalo “Phan Van Chau” là đối tượng nghi vấn bán tiền giả cho Trương Văn Phú và Nguyễn Quang Hậu. Lực lượng chức năng đã chia thành 2 tổ đến xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội và đến các cơ quan chức năng có liên quan để thu thập thêm thông tin về đối tượng nghi vấn.
Kết quả xác định 2 đối tượng là chủ của tài khoản Zalo “Pham Tien”, Zalo “Phan Van Chau” chính là Hà Thế Tâm, sinh năm 2002 và vợ là Lê Thị Tuyết, sinh năm 2004 cùng trú tại thôn Nhân Lý, xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.
Khám xét khẩn cấp nơi ở của vợ chồng Tâm, Tuyết phát hiện và thu giữ 312.000.000 đồng tiền giả, gồm các loại tiền giả mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng và nhiều phương tiện máy móc khác nhau phục vụ cho hoạt động làm tiền giả.
Lúc này, Tâm và Tuyết khai nhận: Vào tháng 9/2021, thông qua mạng xã hội Facebook, Tâm và Tuyết đã mua được 100.000.000 đồng tiền giả nhằm mục đích mang đi tiêu thụ. Từ đó Tâm đã nảy sinh ý định làm tiền giả để bán. Sau đó Tâm vào ứng dụng Youtube xem video hướng dẫn cách làm tiền giả. Học được cách làm tiền giả trên mạng xã hội, Tâm đã mua các máy móc cần thiết để làm tiền giả. Từ tháng 4/2022 đến ngày 31/12/2022, vợ chồng Hà Thế Tâm và Lê Thị Tuyết đã làm được 553.000.000 đồng tiền giả, đã bán nhiều lần cho nhiều đối tượng tổng cộng 281.000.000 đồng.
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, cơ quan điều tra đã lần lượt tiến hành khám xét khẩn cấp và ra các quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với 03 đối tượng: Phán Seo Trường, sinh năm 1992, tạm trú phòng 202, số nhà 26, khu Đông Dương, phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh với tang vật là 59.300.000 đồng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng chưa kịp tiêu thụ; Lương Thị Hường, sinh năm 1994, thường trú xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; Bàn Văn Xuân, sinh năm 2000, thường trú xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên với tang vật là 22.500.000 đồng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng chưa kịp tiêu thụ về các hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả.
Vụ án làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả trên địa bàn các tỉnh Yên Bái, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên và Thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã khép lại, toàn bộ các đối tượng liên quan đến vụ án đã bị bắt giữ; hành vi phạm tội của từng đối tượng đã được chứng minh. Sau khi kết thúc điều tra vụ án, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Yên Bái đã ra quyết định khen thưởng đối với hai tập thể, hai cá nhân có thành tích trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tiền giả.
Ngày 14/9/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái mở phiên toà công khai đưa vụ án ra xét xử và có hình phạt nghiêm khắc với từng đối tượng, theo đó Hà Thế Tâm lĩnh án 17 năm 6 tháng tù, Lê Thị Tuyết 16 năm tù, Phán Seo Trường, 14 năm tù,Trương Văn Phú, 10 năm tù, Nguyễn Quang Hậu, 8 năm 6 tháng tù, Bàn Văn Xuân 07 năm tù và bị cáo Lương Thị Hường bị 07 năm tù giam.
Thấm nhuần sâu sắc 6 điều Bác dạy Công an nhân dân
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm diễn ra rất phức tạp, các đối tượng phạm tội hoạt động ngày càng tinh vi để phòng tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng nhất là các đối tượng liên quan đến tiền giả. Để đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, Đại tá Nguyễn Văn Dũng - Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Yên Bái cho biết: "Không ngừng học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy, đặc biệt là lời dạy thứ 5 của Bác “Đối với công việc phải tận tuỵ", mỗi cán bộ chiến sĩ trong đơn vị luôn tận tuỵ với công việc, mang trong mình ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm, vượt khó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương. Đây cũng là truyền thống, là bản chất của Công an nhân dân Việt Nam".
Thời gian tới, nhận định cuộc chiến với các loại tội phạm tiếp tục diễn ra trong âm thầm và lặng lẽ nhưng cũng hết sức gay go và quyết liệt, cán bộ chiến sỹ phòng An ninh điều tra - Công an tỉnh Yên Bái tiếp tục học tập và thực hiện theo 6 điều dạy của Bác
Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Yên Bái đã đề xuất một số giải pháp nhằm ngăn chặn, đấu tranh với loại tội phạm lưu hành tiền giả.
Cụ thể, một là, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, vô hiệu các trang mạng, hội nhóm trên không gian mạng có nội dung hướng dẫn cách làm tiền giả, giao bán, hỗ trợ giao dịch mua bán tiền giả... Hai là, tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến việc xử lý tội phạm tiền giả; Đặc điểm bảo an của tiền thật; Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội liên quan đến tiền giả để người dân nắm được, dễ dàng nhận biết tiền thật, tiền giả, phòng tránh; tham gia tố giác đối với loại tội phạm trên.