Cục Nghiệp vụ thuộc Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa tiến hành làm việc với Cục QLTT Thái Nguyên về kết quả thực hiện Kế hoạch về đấu tranh, phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo báo cáo, từ đầu năm 2020 đến nay Đội QLTT số 2, Cục QLTT đã tổ chức ký cam kết với 162 cơ sở kinh doanh về không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Đã kiểm tra, xử lý 29 cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực hàng giả, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tổng giá trị tiền xử phạt vi phạm hành chính và hàng hóa tịch thu trên 398 triệu đồng.
Trong đó, kiểm tra, xử lý 24 cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, phạt tiền 173 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu trên 174 triệu đồng; kiểm tra, xử lý 3 vụ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, phạt tiền 17 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu trên 33 triệu đồng; có 2 vụ đang lập hồ sơ xử lý về giả mạo nhãn hiệu, trị giá hàng hóa là 9,7 triệu đồng.
Đại diện Cục QLTT Thái Nguyên cho biết, Cục đã chỉ đạo các Đội QLTT địa bàn thực hiện sát sao công tác quản lý địa bàn, rà soát các cơ sở kinh doanh tụ điểm nổi cộm để tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, vận động, phổ biến các quy định của pháp luật đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.
Sau buổi làm việc, Đoàn công tác của Cục Nghiệp vụ đã có buổi thị sát thị trường thành phố Thái Nguyên và kết hợp với Cục QLTT Thái Nguyên kiểm tra một số cở sở kinh doanh. Kết quả, Đoàn đã tạm giữ 291 sản phẩm túi xách, đồng hồ, kính mắt, áo, ví da có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Hermes, Gucci, Louis Vuitton, Adias, Nike, Puma, Chanel, Casio, Burberry.