Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên là chủ đầu tư. Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 với tổng mức đầu tư gần 4.200 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tuyến đường sẽ được triển khai thi công trong vòng 30 tháng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024 và bàn giao, đưa vào sử dụng trong quý II/2025.
Mục tiêu của việc đầu tư xây dựng Tuyến đường là liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang thông qua 5 tuyến đường cao tốc; kết nối trực tiếp cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc và Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; tạo quỹ đất, đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ tại các khu vực: TP Phổ Yên, huyện Đại Từ, khu vực sườn Đông Tam Đảo…
Huyện Đại Từ giải triển khai công tác GPMB để đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc đoạn qua địa bàn huyện (Ảnh Lê Hanh) |
Theo báo cáo kết quả tiến độ thi công, đến thời điểm cuối tháng 11/2023, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã nhận bàn giao mặt bằng được 225,7/226ha, còn vướng 5/2.924 hộ dân. Trong đó, trên địa bàn TP Phổ Yên còn vướng mắc 3/2.516 hộ; huyện Đại Từ còn vướng mắc 02/408 hộ.
Các đơn vị thi công đang tiến hành đào nền, đắp đất được 39/42,55km và triển khai đắp đất, rải cấp phối đá dăm tại một số vị trí đủ điều kiện thi công. Bên cạnh đó, tổ chức thi công 11/11 cầu, 24/28 hầm chui dân sinh, 139/191 cống ngang, 4/4 vị trí tường chắn và xây hoàn trả mương thủy lợi. Giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành/giá trị hợp đồng là 709/2.545 tỷ đồng (đạt 28%); lũy kế giá trị đã giải ngân và vốn được cấp là 2.335/2.570 tỷ đồng, đạt 91%.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên, quy trình giải phóng mặt bằng có khối công việc rất lớn, bên cạnh việc kiểm đếm, áp giá bồi thường, niêm yết công khai; quy trình xây dựng hàng chục khu tái định cư cho người dân rất dài, cũng phải giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ, đấu thầu thi công xây lắp...
Sau khi được giao đất tái định cư, người dân chọn ngày khởi công xây nhà, nhiều tháng sau hoàn thành thì mới di chuyển được để giao mặt bằng thi công tuyến đường.
Đến thời điểm hiện tại chỉ còn 5 hộ dân chưa thể bàn giao mặt bằng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Ông Ngô Mạnh Cường - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi thường xuyên bám sát công trường, thành lập tổ công tác sát sao công việc, nỗ lực phối hợp với các địa phương giải phóng mặt bằng để thông tuyến nhanh nhất”.
Đối với các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, ông Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đặc biệt chỉ đạo xử lý dứt điểm những vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
Tại buổi kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh ngày 21/11, Chủ tịch tỉnh cũng ghi nhận và đánh giá cao tiến độ thi công, giải ngân nguồn vốn đầu tư công tại các dự án.
Bên cạnh đó, ông Trịnh Việt Hùng cũng yêu cầu các địa phương liên quan cần tiếp tục tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, kết hợp tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận, nhất trí với chủ trương chung. Đối với các đơn vị thi công cần tập trung nhân lực, vật tư, máy móc thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đảm bảo kế hoạch.
Với sự vào cuộc chỉ đạo sát sao, tích cực từ lãnh đạo tỉnh và sự phối hợp của địa phương cũng như người dân, kỳ vọng dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc sẽ nhanh chóng hoàn thiện, tạo động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.