Theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt ngày 4/5/2024, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền của 14 tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái.
Ảnh 1: Hội nghị Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía bắc lần thứ 3, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì. |
Theo quy hoạch vùng, tỉnh Thái Nguyên được xác định là cực tăng trưởng quan trọng của toàn vùng. Cùng với Bắc Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Thái Nguyên là khu vực động lực phát triển, là trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ của vùng, với định hướng phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo trình độ cao, điện tử, thiết bị điện, bán dẫn; phát triển dịch vụ theo hướng đa dạng, có bước đột phá, phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao như thương mại, logistics, tài chính, ngân hàng, du lịch, viễn thông, y tế chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…
Ngoài ra, Thái Nguyên cũng được quy hoạch trở thành trung tâm chế biến chè; trung tâm thể dục - thể thao; trung tâm nghiên cứu - đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao của toàn vùng. Khu vực Hồ Núi Cốc được đưa vào danh mục các địa điểm phát triển thành Khu du lịch Quốc gia; Khu xử lý chất thải sông Công, TP. Sông Công, với quy mô khoảng 40ha được quy hoạch là khu xử lý chất thải cấp vùng…
Về định hướng phát triển đô thị, TP. Thái Nguyên được quy hoạch là một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng và vùng Thủ đô Hà Nội; có vai trò kết nối, hỗ trợ và lan tỏa sự phát triển từ vùng động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến vùng Trung du và miền núi phía Bắc; là trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm tổng hợp về kinh tế, văn hóa và đào tạo lao động chất lượng cao của vùng.
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía bắc lần thứ 3, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải khẳng định: Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tạo thuận lợi, định hướng quy hoạch cho Thái Nguyên và các tỉnh trong vùng thực hiện các chương trình, đề án, dự án đầu tư mang tính chiến lược, bền vững.
Ảnh 2: Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Nguyễn Thanh Hải phát biểu tham luận tại Hội nghị. |
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng nêu một số đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả Quy hoạch vùng, như: Tập trung nguồn lực đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các tuyến giao thông kết nối các tỉnh giáp ranh; nghiên cứu xây dựng cụm liên kết sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo tại Thái Nguyên và Bắc Giang theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; ưu tiên, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện hoàn thành các dự án quan trọng của vùng theo Quy hoạch đã được phê duyệt; sớm hoàn thiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050…