Tết nội - Tết ngoại: Đừng để là một “cuộc chiến”

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vào mỗi dịp Tết đến, xuân về, cụm từ Tết nội - Tết ngoại vốn rất thân thương lại trở thành nguyên do cho nhiều cuộc “đại chiến” của các cặp vợ chồng. Chuyện “góp Tết” nội - ngoại hay Tết này sẽ về đâu tưởng rằng chỉ là chuyện đơn giản nhưng lại dẫn đến cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”.

“Cuộc chiến” không hồi kết

Tết Nguyên đán là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt. Đây không đơn thuần là dịp để ăn mừng, tổ chức lễ hội hay nghỉ ngơi sau một năm vất vả, mà đây còn là dịp để nhớ về cội nguồn, báo hiếu đấng sinh thành. Không chỉ có mùa Vu lan mới là dịp để chúng ta báo hiếu, vào những ngày có dịp đoàn tụ như lễ, Tết, các dịp kỷ niệm của gia đình cũng là thời điểm con cháu làm tròn trách nhiệm của mình. Đây là giá trị tình cảm sâu sắc của người Việt và là truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Thế nhưng đối với các cặp vợ chồng, việc hiếu nghĩa hai bên nội - ngoại sao cho vẹn toàn lại không phải việc đơn giản. Chả thế mà cứ tới tháng Chạp là các gia đình đã bắt đầu bàn bạc chuyện biếu Tết nhà nội, nhà ngoại thế nào cho hợp lý hay Tết này cả gia đình sẽ về đâu. Từ đó mà những bất đồng quan điểm đã xảy ra và châm ngòi cho “cuộc chiến” không hồi kết.

Chỉ còn 1 tuần nữa là Tết nhưng vợ chồng chị T.Vân (Hà Nội) vẫn đang tranh cãi “nảy lửa” về vấn đề biếu Tết bố mẹ hai bên bao nhiêu cho hợp lý. Nếu như những Tết trước kia hai vợ chồng đều biếu hai bên bằng nhau nhưng năm nay khi chị T.Vân lui về ở nhà làm nội trợ thì mọi việc đã khác.

“Mọi năm hai vợ chồng đều có thu nhập nên chúng tôi luôn chia đều để biếu ông bà nội, ngoại. Nhưng năm nay chồng tôi làm kinh tế chính nên muốn biếu bên nội nhiều hơn. Tôi không đồng ý nên hai vợ chồng cãi nhau ra trò”. Theo chị T.Vân, việc biếu quà Tết cho hai bên nội, ngoại không nhất thiết phải dựa vào kinh tế, bởi mỗi cá nhân đều có vai trò riêng trong gia đình. Bản thân chị đã chấp nhận lui về làm nội trợ cho chồng phát triển thì chồng nên ghi nhận và không lấy điều đó ra để phân định.

Không chỉ gia đình chị T.Vân mà có không ít cặp vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi về việc biếu Tết hai bên nội, ngoại, nhất là những cặp đôi mới cưới. Chị T.Hậu (Hưng Yên) và chồng vừa cưới trong năm nay, Tết Quý Mão là Tết đầu tiên của hai vợ chồng trẻ. Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, hai vợ chồng đã bàn tính xem dành ra bao nhiêu để biếu bố mẹ hai bên nhưng đến nay đã sát Tết mà hai người vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Chị T.Hậu cho biết: “Vì hai vợ chồng đều đi làm văn phòng nên cũng không có nhiều của dư, đây cũng là năm đầu tiên tôi về làm dâu nên còn nhiều cái chưa biết. Để đơn giản tôi đề xuất với chồng sẽ mua giỏ quà và biếu tiền cho cả hai bên nhà bằng nhau nhưng chồng tôi không đồng ý. Chồng tôi cho rằng bên nhà nội đông người hơn thì nên mua biếu giỏ quà to hơn, còn bên ngoại ít người thì chỉ cần giỏ quà bé bé xinh xinh là được”.

Không đồng tình với quyết định của chồng, chị T.Hậu phản đối kịch liệt và đã “chiến tranh lạnh” với chồng hơn nửa tháng nay. Dù chồng đã xuống nước bảo biếu hai bên như nhau nhưng chị T.Hậu vẫn không cảm thấy vui vẻ. “Tư tưởng nhà nội hơn nhà ngoại của chồng làm tôi thấy thất vọng. Bên ngoại chỉ có hai ông bà, con gái thì đi lấy chồng xa, chính ra nên được con rể quan tâm, hỏi han. Ấy thế mà…”.

Ngoài chuyện biếu quà, chuyện Tết này về bên nội hay ngoại với những gia đình ở xa cũng khiến nhiều cặp vợ chồng “sứt mẻ” tình cảm. “Thích thì Tết mỗi người một nơi” là câu nói mà vợ anh Đ.Cường thốt ra khi hai vợ chồng to tiếng với nhau. Vợ chồng anh Đ.Cường đã cùng xây tổ ấm được 3 năm, anh quê ở Hưng Yên còn vợ ở Hà Giang, cách nhau khoảng 6 tiếng đi xe.

Vì là cháu đích tôn nên những ngày lễ, Tết anh Đ.Cường luôn cần có mặt ở nhà. Những năm trước, vợ rất hiểu và thông cảm cho anh, nhưng năm nay lại nhất quyết phải về quê ngoại ăn Tết. “Nói thật tôi đang trong trường hợp ‘tiến thoái lưỡng nan”, bên nội không về không được mà ăn Tết xa vợ cũng không xong. Tôi biết vợ thiệt thòi vì không được ăn Tết nhà ngoại nên năm nào mùng 2 tôi cũng sắp xếp việc bên nội ổn thỏa để hai vợ chồng về ngoại. Đến năm nay tôi không biết phải làm thế nào”.

Có lẽ đây cũng là tình trạng chung của nhiều cặp vợ chồng mỗi dịp Tết đến. Nhất là với những gia đình có nhà nội và nhà ngoại ở xa nhau. Thực tế, đây là điều dễ hiểu bởi một năm có mấy ngày Tết vợ hay chồng đều muốn sum vầy bên gia đình “ruột” của mình là chuyện bình thường. Quả thực nhu cầu về nhà ngoại ăn Tết của chị em phụ nữ là hoàn toàn chính đáng, nhưng ở hướng ngược lại, các “đấng mày râu” cũng không thể bỏ bê chuyện nhà nội.

Tết đến bên cạnh không khí nô nức, vui vẻ thì đâu đó những vấn đề như trên lại khiến cho nhiều cặp vợ chồng xảy ra xung đột, có những cặp còn ly hôn vì chuyện này. Cũng vì thế mà cụm từ Tết nội - Tết ngoại vốn thân thương lại trở thành cụm từ “nhạy cảm” của những cặp vợ chồng ngày cuối năm.

Hãy để Tết trọn niềm vui

Tết nội - Tết ngoại tưởng rằng chỉ là câu chuyện đơn giản nhưng có lẽ lại chẳng giản đơn như ta tưởng. Biết rằng việc làm sao để trọn cả đôi bên không phải điều dễ dàng với nhiều cặp vợ chồng. Nhưng có lẽ việc sẽ chẳng ầm ĩ nếu như người chồng biết thương vợ và người vợ biết hiểu chồng. Bởi suy cho cùng những tranh cãi đó đều xuất phát từ tấm lòng yêu thương gia đình của mỗi người.

“Gia đình tôi chưa bao giờ cãi nhau về vấn đề Tết nội – Tết ngoại cả”, chị T.Hà (Vĩnh Phúc) cười nói. Đối với chị T.Hà việc biếu quà Tết bố mẹ mỗi năm sẽ dựa vào nguồn thu nhập của năm đó, chị và chồng không quá đặt nặng vấn đề phải biếu thật nhiều, quà thật to. Nhưng năm nào cũng như năm nào quà của hai bên đều như nhau. Bởi với chị và chồng bố mẹ nào cũng là bố mẹ, bên nào các con cũng có trách nhiệm như nhau.

Còn về chuyện Tết cả nhà về đâu cũng đều được anh chị đồng lòng chục năm nay. “Năm nào cả gia đình cũng về nhà nội đón Tết từ 28 đến sáng mùng 2 Tết để ăn mâm cỗ cùng cả họ. Rồi chiều mùng 2 cả gia đình lên đường đến nhà ngoại và ở đó đến khi vợ chồng đi làm, con cái đi học. Chúng tôi đã phân chia như vậy cả chục năm nay từ lúc chỉ có hai vợ chồng cho đến nhà 4 người bây giờ. Hai bên nội, ngoại đều vui vẻ vì Tết đến có mặt đông đủ con cháu là vui rồi”.

Có lẽ chìa khoá để tránh xung đột về chuyện Tết nội - Tết ngoại của các cặp vợ chồng chính là sự thấu hiểu và cách “cân” sao cho bằng. Hai vợ chồng cần ngồi lại bàn bạc, thống nhất mọi điều sao cho “hợp tình, hợp lý”, tuỳ vào hoàn cảnh kinh tế, hoàn cảnh gia đình,… mà thống nhất để “thuận cả đôi đường”.

Vốn dĩ những món quà, món tiền biếu tặng bố mẹ hai bên đều xuất phát từ tấm lòng hiếu thảo của con cái, dâu, rể. Vậy nên không cần câu nệ chọn những món quà đắt tiền mới quý mà điều quan trọng là món quà đó có ý nghĩa như thế nào với người được tặng. Đừng vì chuyện biếu quà như nào, biếu bao nhiêu mà thành gánh nặng trên vai mỗi người. Cũng đừng nên đặt những món quà lên bàn cân để khiến chúng trở thành căn nguyên ảnh hưởng tình cảm vợ chồng.

Đối với việc về bên nội hay bên ngoại ăn Tết, rõ ràng Tết nội hay Tết ngoại đều quan trọng và có ý nghĩa như nhau. Vậy nên hai vợ chồng có thể sắp xếp ăn Tết ở cả hai nơi nếu có điều kiện. Nếu không có điều kiện hãy cố gắng thấu hiểu lẫn nhau. Tết sẽ trọn vẹn niềm vui khi mỗi người nghĩ cho nhau nhiều hơn một chút, vợ hãy thông cảm cho trách nhiệm mà chồng phải gánh vác, còn chồng hãy san sẻ nỗi lòng xa gia đình của vợ.

Vào ngày Tết món quà ý nghĩa nhất đối với đấng sinh thành không phải là tiền bạc, vật chất hay được sum vầy, quây quần mà chính là được nhìn thấy con cái hạnh phúc bên tổ ấm nhỏ của mình. Vì vậy, việc giữ hoà khí gia đình, giúp tình cảm vợ chồng thêm gắn bó vào mỗi dịp Tết đến, xuân về là rất quan trọng.

Đọc thêm

Dừng khai thác mỏ đá làm 35 hộ dân bị hư hỏng nhà cửa

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cùng đoàn công tác trực tiếp kiểm tra hiện trường khai thác đá (Ảnh: Báo TH).
(PLVN) -   Chính  quyền tỉnh Thanh  Hoá yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động khai thác, chế biến đá của Công ty CP Xây dựng Đô Thị 5, yêu cầu công ty phối hợp với chính quyền địa phương để bồi thường cho người dân, tập trung khắc phục xong hậu quả đã gây ra.

Cảnh giác khi bị chó tấn công

Bé gái H.A (5 tuổi, ở Hà Giang) bị chó cắn được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương
(PLVN) - Thời gian gần đây, số lượng người bị chó cắn gia tăng và ghi nhận nhiều trường hợp là trẻ nhỏ. Đặc biệt, có những trường hợp trẻ bị chính chó nhà nuôi cắn dẫn đến tổn thương nặng nề.

Tắm đập Khe Xai 2 học sinh lớp 6 bị đuối nước

Dép và áo của 2 nạn nhân để lại trên bờ. Ảnh: PV
(PLVN) - Chiều ngày 29/3, ông Nguyễn Huy Hà, Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, lực lượng chức năng đang tổ chức tìm kiếm thi thể 2 em học sinh lớp 6 bị đuối nước khi tắm dưới đập thủy lợi Khe Xai.

Quảng Ninh công bố kết quả xếp hạng Chỉ số của các cơ quan, đơn vị, địa phương

Quang cảnh hội nghị.
(PLVN) - Ngày 29/3, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và công bố kết quả xếp hạng Chỉ số của các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2023.

Dự báo thời tiết cuối tuần này

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) -  Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, cuối tuần này (30-31/3), Nam Bộ vẫn duy trì nắng nóng. Nắng nóng cũng diễn ra tại một số khu vực khác...

Im lặng và thỏa hiệp: Rào cản lớn trong phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em

Nạn nhân bị xâm hại phải đối diện vô số sức ép từ gia đình, cộng đồng. (Ảnh minh họa - Nguồn: VNN)
(PLVN) - Có đến 39,2% gia đình nạn nhân bị xâm hại từ chối hỗ trợ, không hợp tác; 35,29% gia đình chấp nhận, thỏa hiệp với thủ phạm, chờ trẻ đủ tuổi sẽ cho tổ chức đám cưới. Đây là số liệu vừa được công bố tại Hội nghị sơ kết 1 năm thí điểm “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”.

4 người nhập viện sau bữa rượu

Hình ảnh củ ấu tàu - Nguồn: Internet
(PLVN) - Sau uống rượu ngâm củ ấu tàu, 4 người ở Tuyên Quang nhập viện trong tình trạng tức ngực, nôn, vật vã, huyết áp tụt, da tái nhợt,...