Ngày 7/4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban Ngành kiểm tra Đảng quý 1 năm 2021 tại 68 điểm cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương trên toàn quốc.
Tập trung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm
Dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng quý 1 năm 2021 đánh giá, cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp tập trung nghiên cứu, thể chế hóa, cụ thể hóa các nội dung về công tác kiểm tra giám sát trong nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kịp thời ban hành Hướng dẫn giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; chủ động nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy định số 30 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng; thành lập 17 tổ biên tập sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra giám sát.
Đây là những văn bản rất quan trọng, làm cơ sở để sớm đưa Nghị quyết Đại hội về nội dung công tác kiểm tra giám sát vào cuộc sống.
Trong quý 1, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã chủ động triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp ủy giao, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với tinh thần rất kịp thời, nghiêm túc, quyết tâm, quyết liệt.
Qua kiểm tra, đã xử lý và đề nghị xử lý kỷ luật nghiêm minh các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.
Ngay sau khi có thông tin phản ánh về công tác cán bộ tại tỉnh Vĩnh Phúc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kịp thời kiểm tra, kết luận và yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thu hồi, hủy bỏ các nghị quyết, quyết định không đúng quy định về công tác cán bộ, đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Công tác giám sát tiếp tục được coi trọng, có tác dụng tốt trong nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, giúp cho các tổ chức đảng, đảng viên kịp thời nhìn nhận và khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, vi phạm khi còn mới manh nha.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương tập trung giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các thể chế, chính sách trong một số lĩnh vực như kinh tế-tài chính, chứng khoán, đầu tư xây dựng, sử dụng các nguồn vốn, mua sắm thiết bị y tế, giáo dục, quản lý nhà nước về năng lượng điện…
Chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đề nghị toàn ngành tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu sắc, đồng thời xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII sát với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị.
Mỗi cán bộ kiểm tra phải nắm vững và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng đắn Nghị quyết Đại hội, nhất là những nội dung cơ bản, nội dung mới, cốt lõi của Nghị quyết và những nội dung về công tác kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật đảng đã nêu trong Nghị quyết, góp phần sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Ngành kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về công tác kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật đảng trong Nghị quyết và các văn kiện Đại hội XIII thành các văn bản, quy định, hướng dẫn cụ thể, bảo đảm khoa học, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, khả thi, khắc phục những bất cập trong các quy định hiện hành; chú trọng đổi mới, cải tiến các phương pháp, quy trình kiểm tra giám sát để chủ động phát hiện từ sớm, ngăn chặn từ gốc vi phạm, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên; cần phải siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương.
Đồng chí Trần Cẩm Tú nhấn mạnh, Ủy ban Kiểm tra các cấp tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp ủy giao với quyết tâm cao hơn; không ngại khó, càng khó càng phải quyết tâm hơn nữa.
Trong đó, tập trung kiểm tra giám sát tổ chức đảng gắn với trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra vi phạm, nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, những nơi có nhiều bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa”; các lĩnh vực kinh tế - tài chính, hành chính, y tế, giáo dục; quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; huy động, sử dụng các nguồn vốn; thực hiện dự án đầu tư và công tác cán bộ...
Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra dấu hiệu vi phạm, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát; chú ý giám sát đều các khu vực, các lĩnh vực, các địa phương - coi đây là việc làm thường xuyên để kịp thời phát hiện, nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa vi phạm từ xa, giải quyết từ sớm, với mục đích "trị bệnh cứu người," không để khuyết điểm kéo dài thành vi phạm, vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn, để lại hậu quả nghiêm trọng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, xem xét, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo tổ chức đảng và đảng viên, trong đó tập trung vào những tố cáo liên quan đến bầu cử Quốc hội khóa XV, các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; tăng cường chỉ đạo đối với hoạt động của Ủy ban Kiểm tra cấp dưới, khi cần thiết thì tiến hành kiểm tra cách cấp (nơi có nhiều dư luận về dấu hiệu vi phạm nhưng cấp dưới không làm hoặc khó làm) để thúc đẩy và tạo chuyển biến tích cực, toàn diện, rõ rệt hơn nữa trong toàn Ngành.
Đồng chí yêu cầu, các địa phương, đơn vị phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, báo chí, công luận; chọn một vài vụ việc có tính điển hình để kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm minh, nhất là đối với những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, khắc phục cho được tình trạng "trông chờ, nghe ngóng," “trên nóng, dưới lạnh,” “trên nhiều, dưới ít,” “trên nhẹ, dưới nặng.”
Thời gian tới, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về công tác kiểm tra giám sát và hoạt động của ngành Kiểm tra; kịp thời công khai kết quả các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, theo dõi, giám sát, góp phần giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa vi phạm trong tổ chức đảng, đảng viên.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử của Nhà nước; đưa công tác phòng, chống tham nhũng thành một trong những nội dung công tác trọng tâm của Ủy ban Kiểm tra các cấp trong nhiệm kỳ này.
Toàn ngành quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01, ngày 19/3/2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đó là: Tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
"Trong quá trình kiểm tra giám sát, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm tra giám sát" - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh và nêu rõ, "Kỷ luật của Đảng phải thực hiện trước, là tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước, của đoàn thể và xử lý hình sự," đồng chí nêu rõ.
Thời gian tới, ngành quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Ủy ban Kiểm tra; xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Mỗi cán bộ kiểm tra phải không ngừng rèn luyện để trở thành những “chiến sỹ” kiên cường, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có dũng khí đấu tranh, tâm huyết, trách nhiệm cao, tinh thông nghiệp vụ, phải thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén của Đảng để đủ sức đấu tranh với vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên như lời căn dặn và cũng là yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra giám sát nhiệm kỳ XII./.