Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục – đào tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung; là cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới. Vì vậy, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh là quyết sách kịp thời, tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc cho Thành phố.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như: tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn; nâng hạn mức huy động vốn cho phép Thành phố chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển; chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án;... và nhiều chính sách khác đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao; các cơ chế, chính sách của Nghị quyết chưa được phát huy toàn diện; công tác triển khai một số nội dung thuộc trách nhiệm của Thành phố còn chậm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường phát biểu tại phiên họp. |
Vì vậy, việc ban hành một Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 là cần thiết nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội; tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81/2023/QH15.
Dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo 7 nhóm chính sách, gồm: các cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư; các cơ chế, chính sách về tài chính ngân sách; các cơ chế, chính sách về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; các cơ chế, chính sách về thu hút nhà đầu tư chiến lược; các cơ chế, chính sách về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; các cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy của Thành phố; các cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các Bộ, ban, ngành cơ bản nhất trí cần ban hành một Nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời nêu một số ý kiến đóng góp, sửa đổi bổ sung dự thảo Nghị quyết, như: quy định ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố Hồ Chí Minh; nghiên cứu, rà soát các quy định hiện hành, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về thuế; làm rõ phạm vi điều chính, dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết sau khi được thông qua trong nội dung tờ trình; đánh giá cụ thể, chi tiết tác động, các ưu điểm, nhược điểm của từng giải pháp đề ra tại Báo cáo đánh giá tác động của chính sách…
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp. |
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị cơ quan chủ trì nghiên cứu, tập trung vào những cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh; thể hiện rõ trong các nhóm chính sách tại dự thảo Nghị quyết, chính sách nào là kế thừa từ Nghị quyết số 54, chính sách nào đang được dự kiến quy định trong dự thảo luật, chính sách nào là quy định mới… Ban soạn thảo cũng cần rà soát tính tương thích các quy định tại dự thảo Nghị quyết với các Điều ước quốc tế; đánh giá chi tiết tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và các đối tượng khác có liên quan về các mặt kinh tế, xã hội, vấn đề giới, thủ tục hành chính và hệ thống pháp luật.