Nhà máy chế biến quả và nước trái cây công nghệ cao được xây dựng tại bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Tổng diện tích quy hoạch dự kiến của nhà máy là 14,03 ha, trong đó 4,9ha đã bàn giao. Dự án có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn một, 300 tỷ đồng dành cho xây dựng nhà máy chế biến cam, nhãn, xoài, chanh leo, sơn tra thành các sản phẩm nước ép, nước trái cây cô đặc. Sản phẩm được phân phối dạng bán buôn (B2B) cho các nhà máy sản xuất nước hoa quả và sản phẩm khác có thành phần hoa quả.
Giai đoạn 2 có mức đầu tư 900 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất nước cam, nhãn, chanh leo đóng chai. Nguồn nguyên liệu chủ yếu từ các huyện lân cận như Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn, Bắc Yên, Phù Yên…
Tập đoàn TH phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La tổ chức lễ khởi công nhà máy chế biến quả và nước trái cây công nghệ cao. |
Tại lễ khởi công, bà Thái Hương - Nhà sáng lập và tư vấn đầu tư cho Tập đoàn TH phát biểu rằng, khi các nước ký hiệp định thương mại tự do, Việt Nam có thể trở thành chợ tiêu thụ cho các nước tiên tiến. Người dân sẽ gặp khó khăn đầu ra, các sản phẩm Việt bị lép vế. Nhà máy 1.200 tỷ đồng đi vào hoạt động nhằm mở rộng đầu ra cho nhiều loại trái cây khu vực Tây Bắc, đồng thời giúp doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào thị trường hoa quả tươi truyền thống vốn bấp bênh.
Nữ doanh nhân cũng cho rằng, sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nông dân và các hợp tác xã trong chuỗi giá trị sản xuất, là một trong những giải pháp nâng cao giá trị sản xuất nông sản. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, nắm bắt nhu cầu thị trường để đưa ra yêu cầu về chuẩn mực sản phẩm, cập nhập khoa học công nghệ cho nông dân. Mô hình này không chỉ giúp người tiêu dùng được dùng sản phẩm tốt, mà còn nâng cao giá trị nông sản Việt trên trường quốc tế.
Khi hoàn thành đầu tư, nhà máy có thể tạo việc làm trực tiếp cho hàng trăm lao động, hợp tác liên kết với hàng nghìn người dân địa phương và thúc đẩy phát triển vùng trồng cây ăn quả trong tỉnh. TH sẽ hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng trọt, sơ chế đạt quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về chất lượng thông qua các hợp tác xã.
Ông Cầm Ngọc Minh - Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Sơn La cho biết, toàn tỉnh có 42.627 ha cây ăn quả với 79 hợp tác xã cây ăn quả, 47 chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản với khoảng 180.000 tấn rau, củ, quả mỗi năm.
Sơn La hiện lấy cây ăn quả làm mũi nhọn phát triển kinh tế. Nhiều chuyến xoài, nhãn, chanh leo đã xuất đi châu Âu, Australia, Mỹ. Khoảng 30% số hộ trồng cây ăn quả hiện có thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi ha. Mức thu nhập này sẽ tiếp tục tăng sau khi nhà máy chế biến trái cây và nước hoa quả công nghệ cao đi vào hoạt động.
Ngoài nhà máy chế biến trái cây, Tập đoàn TH đang tiếp tục khảo sát để triển khai dự án phát triển vùng rau, củ, quả và dược liệu Sơn La hơn 1.000 ha với quy mô đầu tư 1.100 tỷ đồng.