Đây là sự kiện mở đầu "Chương trình Phát triển Công trình Xanh và Bền vững", do Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của Lãnh đạo Bộ Xây dựng, đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam, gần 200 chuyên gia và đại diện nhiều doanh nghiệp BĐS cả nước.
Theo biên bản giao ước, Tập đoàn FLC cam kết sẽ thúc đẩy, tối đa hoá các tiêu chí "xanh" tại những công trình, dự án do FLC xây dựng trên toàn quốc, đồng thời song hành cùng Hiệp hội BĐS Việt Nam góp phần tạo lập những nền tảng cơ bản để hình thành một thị trường bất động sản "xanh" của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC nhấn mạnh: "Phát triển Công trình Xanh là xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Là một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam, FLC luôn hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cho các dự án của mình".
Cũng theo bà Hương Trần Kiều Dung, ngay từ khâu quy hoạch và thiết kế công trình, Tập đoàn FLC đã hợp tác với những đơn vị tư vấn quốc tế, có kinh nghiệm lâu năm về Công trình Xanh với những mục tiêu chính: thiết kế hạ tầng cố gắng không làm gián đoạn cảnh quan tự nhiên, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và tài nguyên, áp dụng tối đa các công nghệ mới thân thiện với môi trường, đơn cử như công nghệ tưới tiêu tuần hoàn tại các sân golf.
Ông Nguyễn Trần Nam_ Chủ tịch HH BĐS Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo |
"Tại các sân golf của FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn, lượng nước ngọt còn dư sau khi tưới sẽ được sẽ được thu hồi để tái sử dụng. Cỏ sân golf là loại cỏ được lai tạo tiên tiến nhất trên thế giới có khả năng chịu mặn và chịu hạn để hạn chế sử dụng nước ngọt. Đây cũng là những giống cỏ có khả năng miễn dịch tốt nhất, giúp hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vốn cũng được lựa chọn kỹ lưỡng từ các thương hiệu thân thiện với môi trường", Phó chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết.
Theo định nghĩa của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (Vietnam Green Building Council - VGBC), Công trình Xanh là công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên.
Xu hướng phát triển Công trình Xanh được nhen nhóm từ những năm 1990 tại Anh, Mỹ, Canada và một số nước phát triển. Trải qua hơn hai thập kỷ, làn sóng này đã và đang lan rộng tới nhiều khu vực trên toàn thế giới. Đây được coi là hoạt động quan trọng, tích cực và hiệu quả nhất trong các hoạt động có ý thức của toàn cầu ứng phó với Biến đổi khí hậu.
Toàn cảnh Hội thảo |
Theo thống kê, tại Việt Nam có khoảng 61 công trình xanh ở các giai đoạn khác nhau. Con số này được nhìn nhận là thấp so với hơn 2100 dự án tại Singapore (theo chứng nhận Green Mark) hoặc hơn 750 dự án tại Úc (theo chứng nhận Green Star). Trong 10 năm trở lại đây, mức tiêu thụ năng lượng của Việt Nam đã tăng với tốc độ nhanh hơn tăng GDP, bình quân 14%/năm. Việt Nam sẽ chịu nhiều tổn thất về sinh thái và kinh tế nếu không gấp rút giải quyết vấn đề hiệu quả năng lượng công trình.
Trong bối cảnh đó, Biên bản giao ước do Tập đoàn FLC ký kết với Hiệp hội bất động sản Việt Nam là một động thái tích cực, được kỳ vọng sẽ góp phần tác động đáng kể đến thị trường Công trình Xanh Việt Nam trong thời gian tới.