Số liệu thống kê cho thấy, hiện trên toàn tỉnh Phú Thọ có trên 280 doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu. Trong 7 tháng đầu năm, tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh Phú Thọ đạt 8,1 tỷ USD, đứng thứ 3/14 các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc, chỉ sau Thái Nguyên và Bắc Giang. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng đầu năm tại Phú Thọ ghi nhận tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Tỉnh Phú Thọ xếp vị trí thứ 9/63 các địa phương có đóng góp lớn cho xuất khẩu 7 tháng năm 2024 với 8,1 tỷ USD.Nguồn Ảnh: Báo Phú Thọ |
Qua điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động công nghiệp trên địa bàn tỉnh, có tới 86,86% doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên; 82,61% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên; chỉ có 13% doanh nghiệp dự kiến giảm khối lượng sản xuất trong 6 tháng cuối năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mức tăng khá cao cả về xuất khẩu và nhập khẩu đang cho thấy đà phục hồi vô cùng khả quan của các doanh nghiệp tại địa phương. Không chỉ có lượng đơn hàng tốt, các doanh nghiệp đang có mức độ nhập khẩu nguyên phục liệu sản xuất rất tích cực.
Để có được những kết quả trên, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều hỗ trợ đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn. Trong đó, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nộp thuế, hoàn thuế; thực hiện tốt công tác giám sát quản lý, hiện đại hóa hải quan, bảo đảm việc thông quan hàng hóa của doanh nghiệp diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.
Đồng thời, địa phương cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế; chỉ đạo các đơn vị chức năng, các địa phương có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... rút ngắn thời gian triển khai các dự án đầu tư.
Số liệu thống kê cho thấy, hiện trên toàn tỉnh Phú Thọ có trên 280 doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu. Ảnh: Ngọc Phúc |
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm chính sách tiền tệ; thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất theo quy định… Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng thời gian để “tái cấu trúc”, đổi mới hoạt động, phát triển nội lực để đảm bảo chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh.
Theo ông Phan Trọng Tấn - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tiếp cận vốn tín dụng, thị trường, thủ tục đầu tư, đất đai. Đồng thời, triển khai kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi, giảm thuế, phí, lệ phí, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, tiếp cận thị trường mới, thị trường xuất khẩu để mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp.
Theo ông Phan Trọng Tấn - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: "Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tiếp cận vốn tín dụng, thị trường, thủ tục đầu tư, đất đai". Ảnh: Ngọc Phúc |
Đối với Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ, hiện đơn vị đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Đồng thời, tiếp tục thông tin với các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường… Qua đó, góp phần tăng tốc xuất khẩu hàng hoá trong những tháng cuối năm.