Táo tợn giả xin cưới, lừa bán “cô dâu” sang Trung Quốc

Đối tượng Lưu Ngọc Đảm
Đối tượng Lưu Ngọc Đảm
(PLO) - Tự giới thiệu là cán bộ kiểm lâm, đã ly hôn vợ, Lưu Ngọc Đảm (SN 1971, ngụ thôn Phú Cường, xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) tán tỉnh chị Cấn Thị Tuyết (SN 1990). Khi đã tạo được lòng tin, Đảm ngỏ lời tiến tới hôn nhân với cô gái rồi… lừa bán sang Trung Quốc.  
Đưa đi “ra mắt” sang… Trung Quốc
Sáng sớm ngày 14/12/2015, hai người phụ nữ cùng đến loay hoay trước cổng TAND Hà Nội xin bảo vệ được vào dự tòa. Do quên đem giấy triệu tập, thư ký tòa phải xuống tận cổng dẫn họ vào. 
Trên đoạn đường ngắn từ cổng lên hội trường tầng ba, hai chị hỏi chuyện một lúc rồi ôm chầm lấy nhau khóc. Cả hai là nạn nhân cùng bị một người đàn ông lừa bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm. 
Phòng xử trống vắng chỉ có bị cáo đứng trước vành móng ngựa, hai phụ nữ là bị hại ngồi ngay hàng ghế phía sau. Bị cáo Đảm vẻ mặt tỉnh ráo, đứng rung chân trước vành móng ngựa, thi thoảng lại ngoái cổ nhìn các bị hại dù liên tục bị chủ tọa nhắc nhở. 
Theo cáo buộc, Đảm có hành vi lừa bán hai phụ nữ nêu trên sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Một trong hai bị hại là người từng đặt niềm tin xây dựng tổ ấm với bị cáo. 
Nước mắt lưng tròng, chị Tuyết bộc bạch từng có một đời chồng và một con, nhưng cuộc sống hôn nhân tan vỡ, chị đem con về nương tựa nhà bố mẹ đẻ, hằng ngày đi làm công nhân. 
Trong một lần lên bệnh viện ở Hà Nội chăm người thân năm 2012, chị tình cờ gặp Đảm đang chăm sóc bố. Qua vài lần trò chuyện, cả Đảm và ông bố đều giới thiệu chàng trai là cán bộ kiểm lâm, cũng gặp cảnh hôn nhân tan vỡ. 
“Sau đó chúng tôi thi thoảng gọi điện nói chuyện. Gần một năm quen nhau, Đảm ngỏ lời xây dựng tổ ấm với tôi. Là phụ nữ “đứt gánh giữa đường”, tôi khao khát có người chồng nương tựa nên mới bị những lời đường mật của Đảm làm xiêu lòng. Tin Đảm một phần, lại từng gặp cả bố anh ta nhiều lần ở bệnh viện nên càng tin tưởng”, người phụ nữ kể.
Chị Tuyết thừa nhận từ lúc quen thân, Đảm luôn thể hiện là “người đàn ông của gia đình” như đưa đón, mua quà tặng con riêng của “vợ tương lai”. Khoảng cuối tháng 7/2013, Đảm chính thức mở lời muốn lấy chị Tuyết làm vợ. 
Người đàn ông này cũng nhiều lần tới nhà bạn gái chơi, nói rõ ý định trên với bố mẹ chị Tuyết. Đến ngày 28/8/2013, Đảm ăn mặc chỉnh tề đến gặp bố mẹ chị Tuyết xin phép đưa người yêu về quê Bắc Giang dự đám cưới cháu, nhân dịp này ra mắt gia đình nhà trai. Cả nhà chị Tuyết mừng thầm bởi cô gái từng một lần đò tìm được chỗ nương tựa. 
Lên tới Bắc Giang, chị Tuyết được bạn trai đưa về gặp bố và mẹ kế. Sáng hôm sau Đảm rủ người yêu lên nhà chị gái ở Lạng Sơn lấy tiền nợ về lo đám cưới. 
Khi chị Tuyết từ chối, Đảm dẻo mồm: “Chị ấy bắt anh phải đưa em lên thì chị ấy mới trả tiền vì sợ anh không lấy vợ mà tiêu hết tiền”. 
Lên tới thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) lúc chiều tối, cả hai xuống xe khách và được xe ô tô bốn chỗ đón đi tiếp. Sau mấy tiếng đồng hồ vòng vo qua nhiều cung đường tối om, đất đá gồ ghề, chiếc xe dừng lại ở một nhà hàng. 
Ngước mắt nhìn thấy nhiều chữ Trung Quốc trên bảng hiệu và nhiều người nói chuyện bằng ngôn ngữ lạ, chị Tuyết quay sang hỏi bạn trai: “Vẫn chưa tới nhà chị gái à. Ở Việt Nam sao lại có nhiều chữ Trung Quốc thế” thì bị Đảm đánh lạc hướng: “Ở đây người Việt Nam và Trung Quốc sống chung” rồi giục ăn cơm. 
Chạy trốn lạc đến tận Ma Cao
Đến lúc này chị Tuyết vẫn chưa biết đang ngồi trên đất Trung Quốc: “Sau đó có hai người đàn ông tới giới thiệu là họ hàng nhà Đảm, tách chúng tôi chở đi với lí do đường xấu phải chở từng người. Tôi lên xe và không gặp lại Đảm từ đó. Hóa ra cả bọn chúng lên kế hoạch sẵn, còn tôi ngu ngơ không biết đã bị bán”, chị Tuyết kể lại giọng căm hờn. 
Người phụ nữ nhẹ dạ sau khi bị đưa đến một ngôi nhà, ép “đi khách” mới biết bị lừa bán. 
Chị kể lại, từ lúc biết bị bán không lúc nào nguôi ý định bỏ trốn: “Ở nơi xa lạ, không biết nói tiếng bản địa, chủ nhà cấm tôi dùng điện thoại, cử người trông chừng nên đành cắn răng chịu nhục chờ cơ hội. 
Có lần tôi mượn điện thoại của khách lén gọi về nhà nhưng do sóng yếu, chỉ nghe rồ rồ. Trong vòng một tháng, họ bán tôi qua tay hai “tú bà””, chị Tuyết nhớ lại quãng thời gian sống trong tủi nhục.
Mãi đến dịp lễ Trung thu, khi chủ nhà ăn nhậu quá chén ngủ quên, chị Tuyết được một cô gái gốc Việt cùng cảnh ngộ rủ chạy trốn đến Ma Cao. Cô gái cùng bỏ trốn dặn chị Tuyết ngồi chờ ở quán cơm mà theo chị, nghi vấn cô gái này một lần nữa đang tìm khách bán chị. 
May mắn trong lúc ngồi ăn, chủ quán cơm đến bắt chuyện, cảnh báo chị Tuyết “không khéo bị bán sang Ma Cao đó” rồi hỏi chị có muốn báo cảnh sát không. Lúc này người phụ nữ chột dạ nhớ lại những “tú bà” trước đây đều giả vờ giúp đỡ chị, bảo rằng gửi chị cho người này người nọ dẫn về Việt Nam, nhưng tất cả đều nhằm lừa bán chị sang tay. 
Sau đó ông chủ quán cơm gọi điện báo cảnh sát nước sở tại, chị Tuyết được đưa về trại tập trung ở hơn hai tháng.
Đến ngày 4/12/2013, chị Tuyết bị trục xuất khỏi Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Ngay khi về nước, chị đã đến cơ quan công an tố cáo Đảm.
Phạt nặng kẻ tái phạm tội buôn người
Lại nói về thủ phạm, gần một năm sau khi lừa bán chị Tuyết sang Trung Quốc, Đảm tiếp tục phạm tội. Nạn nhân lần này là chị Trần Thị Bích (SN 1983, ngụ thôn Hạ, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). 
May mắn, nạn nhân được người nhà chuộc về ngay khi đặt chân sang bên kia biên giới. Bức xúc, chị Bích kể được Đảm chủ động làm quen trên chuyến xe khách đi Hòa Bình cuối tháng 5/2014. Sau nhiều lần chuyện trò làm thân, biết bạn mới quen đang cần tiền để kinh doanh, ngày 15/6, Đảm gọi điện rủ chị Bích lên TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) sẽ cho vay vốn. 
Cả tin, chị Bích đón xe đi Bắc Giang. Biết “con mồi” đã cắn câu, Đảm lặp lại “bài cũ” rủ bạn lên nhà chị gái ở Lạng Sơn lấy tiền.
Chị Bích chỉ nhớ khi trời nhá nhem tối cùng Đảm xuống ô tô khách, sau đó được người đàn đón đi tiếp bằng xe ô tô: “Giữa đường, chúng tôi dừng lại ở ngôi nhà hoang nghỉ ngơi chốc lát rồi đi tiếp. Qua vài ngọn đồi, có một phụ nữ ra đón, dẫn về nhà nghỉ. Lúc tôi hỏi đi lâu thế vẫn chưa tới nơi, Đảm nói còn xa, nghỉ ngày mai đi tiếp”.
 Linh cảm có chuyện không hay, chị Bích nói sáng hôm sau sẽ quay về Hà Nội, không cần mượn tiền nữa. Khi chị gọi điện về nhà, lập tức bị Đảm giật máy ném đi, tát vào mặt rồi bắt lên xe chở đến nhà người phụ nữ tên Tám ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). 
Lúc này chị Bích nghe Đảm nói với người lạ “hàng em đã mang sang” mới chột dạ biết bị lừa bán: “Tôi bị ép đi với người đàn ông Trung Quốc, phải quỳ gối van xin người phụ nữa kia cho phép gọi điện về Việt Nam bảo người nhà mang tiền lên chuộc”, bị hại khai trước tòa.
Trong lúc đó ở Việt Nam, anh Nguyễn Thanh Sơn (SN 1972, chồng chị Bích) vay mượn họ hàng được 12 triệu đồng đem lên thị trấn Lộc Bình (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) đổi sang 3.500 nhân dân tệ (NDT) và giao cho một phụ nữ theo hướng dẫn của vợ bên kia bên giới. Đồng thời ngày 19/6, anh Sơn đã đến công an huyện Gia Lâm trình báo sự việc vợ bị lừa bán. 
Còn Đảm thông qua người trung gian đã nhận 9,1 triệu đồng và 300 NDT là tiền bán chị Bích rồi trở về Việt Nam sáng ngày 21/6. Cùng thời điểm này, nạn nhân của Đảm cũng được trả về biên giới. 
Khi về tới TP Lạng Sơn, chị Bích nhìn thấy Đảm liền gọi điện cho chồng trình báo cảnh sát. Cảnh sát huyện Gia Lâm phối hợp với công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ Đảm cùng toàn bộ tang vật. 
Tại CQĐT cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Đảm khăng khăng chối tội. Trước vành ngựa, hai bị hại đồng thanh vạch trần hành vi phạm tội của Đảm và đề nghị HĐXX tuyên mức án thật nghiêm khắc. Thế nhưng bị cáo vẫn chối tội đến cùng: “Bị cáo không bán người. Nếu bán người chỉ lấy hơn mười triệu đồng thì lấy làm gì”. 
Sau giờ nghị án, HĐXX TAND TP.Hà Nội nhận thấy mặc dù bị cáo chối tội nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án cũng như lời khai các bị hại tại tòa, đủ cơ sở chứng minh Đảm phạm tội “mua bán người” như cáo buộc của Viện kiểm sát. HĐXX tuyên phạt Lưu Ngọc Đảm 13 năm tù, buộc bồi thường cho hai bị hại tổng cộng 80 triệu đồng./.

Đọc thêm

Khởi tố 4 cán bộ liên quan sai phạm trong công tác tuyển sinh

Năm học 2021 - 2022, có 36/60 học sinh tuyển sinh không đúng quy định vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quan Hóa.
(PLVN) - Ngày 10/1, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố 4 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến vụ sai phạm trong tuyển sinh tại Trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú THCS huyện Quan Hóa.

Từ bạn tù đến đồng bọn ma túy, bộ ba lĩnh án chung thân

Các bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 10/1, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy đối với 3 bị cáo: Nguyễn Phú Long Thành (SN 1976, trú phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP. Hà Nội); Vi Xuân Hoài (SN 1954, trú xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) và Kha Văn Minh (SN 1977, trú xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An).

Ông Trần Đình Triển bị phạt 3 năm tù

Luật sư Trần Đình Triển. (Ảnh: Facebook Trần Đình Triển)
(PLVN) - Bị cáo Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, bị tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù vì tội lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Bắt giam Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ

Cơ quan công an đọc lệnh bắt Đinh Văn Hải, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ.
(PLVN) - Ngày 10/1, Cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Đinh Văn Hải, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ và Cao Tiến Hạnh, nguyên Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ, với cùng tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Gọi báo cháy giả sẽ bị xử phạt nặng

Gọi báo cháy giả sẽ bị xử phạt nặng
(PLVN) -  Đường dây nóng 114 hoạt động 24/24h trong ngày, tiếp nhận cuộc gọi của người dân yêu cầu cứu hộ cứu nạn khi xảy ra cháy, nổ, mắc kẹt, đuối nước, sạt lở đất, sập nhà… Tuy nhiên, nếu gọi đến 114 để thông báo một vụ cháy không có thật, người gọi sẽ bị xử phạt.