Báo cáo tại cuộc họp, ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ: Qua hơn 12 năm thực hiện, Luật Các TCTD số 47/2010/QH12, Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD số 47/2010 đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Luật các TCTD và các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết đã góp phần lành mạnh hóa hoạt động của các TCTD, hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, giám sát TCTD. Các quy định của Luật các TCTD đã chứng minh được sự phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu quản lý và định hướng cho hoạt động, phát triển các TCTD trong một thời kỳ khá dài, góp phần tạo sự ổn định về môi trường pháp lý cho hoạt động ngân hàng.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ cấu lại các TCTD, cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật các TCTD tiếp tục bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của TCTD và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước.
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn của hệ thống TCTD, phát triển kinh tế, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Bên cạnh việc duy trì, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023, việc sửa đổi Luật còn góp phần kịp thời chỉnh sửa, hoàn thiện những quy định tại Luật Các TCTD hiện đã phát sinh bất cập. Đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý hoạt động, xử lý các TCTD yếu kém, hạn chế và khắc phục xử lý sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt tại TCTD phát sinh trong thời gian gần đây.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính đã góp ý đối với một số chính sách. Hiện nay chưa có quy định cụ thể về các phương pháp thẩm định giá các khoản nợ. Việc thẩm định giá các khoản nợ xấu đang được các TCTD, doanh nghiệp có chức năng mua, bán nợ thuê các doanh nghiệp thẩm định giá vận dụng hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam để thực hiện. Do vậy, đại diện Bộ Tài chính bày tỏ đồng tình với việc kế thừa quy định tại Nghị quyết 42 và sửa đổi theo hướng bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quy định về thẩm định giá các khoản nợ xấu. Về thứ tự ưu tiên thanh toán tài sản đảm bảo, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp… để rà soát các vướng mắc pháp luật về thuế.
Theo đề nghị xây dựng Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo nêu lên 11 nhóm chính sách về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và 7 nhóm chính sách mới sửa đổi, bổ sung các quy định tại Luật Các TCTD. Về vấn đề này, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá, tổng hợp rõ những tồn tại, hạn chế của Nghị quyết số 42. Trên cơ sở đó, xây dựng các chính sách đảm bảo khả thi, rõ tính kế thừa và bổ sung.
Liên quan tới việc kế thừa và sửa đổi, bổ sung chính sách về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, đại diện Tòa án nhân dân tối cao cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần đề ra các tiêu chí cụ thể để Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn các trường hợp, điều kiện, trình tự, thủ tục để hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự theo thẩm quyền.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhận định việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD là cần thiết. Để nâng cao chất lượng Hồ sơ đề nghị, Thứ trưởng nhấn mạnh cần nêu rõ các hạn chế, vướng mắc lớn trong pháp luật hiện hành tại nội dung tờ trình; nghiên cứu tiếp thu, cân nhắc điều chỉnh các nhóm chính sách để phù hợp với nội dung, đề ra các giải pháp cụ thể trong từng chính sách; tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các điều ước quốc tế liên quan đảm bảo phù hợp, đồng bộ.