Phiên giao dịch ngày 04/12, cổ phiếu VNMcủa Vinamilk chính thức chạm ngưỡng 200.000 đồng. Đây là mức giá cao nhất (tính theo giá điều chỉnh) của Vinamilk từ trước đến nay.
Đạt mức giá 200.000 đồng/cổ phiếu, Vinamilk lọt top 5 cổ phiếu có mức giá trên 200.000 đồng và đắt giá nhất thị trường chứng khoán Việt.
Đứng đầu về thị giá hiện tại vẫn là cổ phiếu SAB của Sabeco. SAB tăng giá mạnh thời gian qua sau thông tin sắp sửa bán vốn. Tuy nhiên, sự tăng giá ầm ầm của cổ phiếu SAB khiến nhiều người dùng từ “mức giá trên trời” để mô tả cổ phiếu này. Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu SAB đã tăng hơn 70% lên 335.000 đồng/cp và trở thành cổ phiếu có thị giá lớn nhất TTCK Việt Nam. Tại mức giá này, P/E Sabeco đã lên tới gần 49, bỏ xa các “đại gia” bia trên Thế giới như Heineken (P/E 27), Carlsberg (P/E 22), ThaiBev (P/E 18), Asahi Group (P/E 24), Kirin Holdings (P/E 21), San Miguel (P/E 15), Sapporo (P/E 28)…
Việc tăng giá quá “nóng” trong năm 2017 đã khiến vốn hóa Sabeco hiện lên tới 9,6 tỷ USD, vượt qua vốn hóa một số doanh nghiệp tầm cỡ ngành bia như Sapporo Holdings (2,5 tỷ USD), San Miguel (5,3 tỷ USD). Trong khi đó, quy mô của Sabeco lại quá nhỏ bé so với các doanh nghiệp kể trên.
Đứng thứ hai về thị giá là cổ phiếu VCS của Vicostone. Bất đắc dĩ phải “bán mình” cho đối thủ, Vicostone đã tăng trưởng gấp 20 lần thành công ty 700 triệu USD chỉ sau 3 năm. Những biến động lớn về cơ cấu sở hữu trong năm 2014 đã đưa Vicostone từ nguy cơ “bị đe dọa về thị phần, triển vọng tăng trưởng” phải chấp nhận để đối thủ thâu tóm trở thành một trong những doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng nhất trong suốt 3 năm qua.
Vấn đề tăng giá của Vicostone bắt đầu sau thú vị của câu chuyện về đối thủ của Vicostone là Phenikaa thâu tóm thành công Vicostone thì chính Phenikaa lại bị “thâu tóm” bởi chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng.
Và sau câu chuyện thâu tóm là câu chuyện giao dịch cổ phiếu VCS trên thị trường chứng khoán không còn sôi động nữa. Thanh khoản cổ phiếu VCS hiện chỉ đạt ~70.000 cổ phiếu mỗi phiên.
Đứng thứ ba về thị giá cổ phiếu là CTD của Coteccons. Nằm im suốt nhiều tháng trời quanh giá 200.000 – 210.000 đồng, CTD dường như chỉ còn phù hợp với những nhà đầu tư muốn giữ tiền một cách an toàn. Thế nhưng bất ngờ trong tháng qua, CTD bật tăng đi ngược tình trạng chung của hầu hết các cổ phiếu trên thị trường và cùng ngành.
Với cơ cấu tài chính nổi tiếng lành mạnh, kết quả kinh doanh bứt phá đã khiến một cổ phiếu thị giá cao nhưng an toàn như CTD trở thành lựa chọn lý tưởng cho giai đoạn này. Riêng quý 3/2017 Coteccons báo lãi sau thuế 477,5 tỷ đồng, tăng trưởng 30,5% so với quý 3 năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận lớn nhất trong quý 3 mà Coteccons đạt được trong nhiều năm trở lại đây.
Đứng thứ 4 về thị giá là cổ phiếu VCF của Vinacafe’ Biên Hòa. Hiện tại, cổ phiếu VCF đã đạt đến ngưỡng 205.000 đồng/cp và nhìn chung, sau khi Masan thâu tóm VCF thì cổ phiếu này cứ tăng đều đặn, từ từ với thanh khoản rất thấp.
Và, VNM của Vinamilk là doanh nghiệp đứng thứ 5 về thị giá và lọt top 5 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán có giá trên 200.000 đồng.
Cổ phiếu VNM đặc biệt tăng mạnh trong giai đoạn SCIC thoái vốn lần thứ 2. Với mức giá này, vốn hóa của Vinamilk đạt gần 290,3 nghìn tỷ đồng tương đương hơn 13 tỷ USD.
Bò sữa Vinamilk – doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường và cũng luôn được đánh giá là doanh nghiệp hiếm có trên sàn chứng khoán – đang giao dịch ở P/E 26 lần. Trong một thập kỷ trở lại đây, cổ phiếu của doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam luôn nằm trong đích ngắm của nhiều quỹ đầu tư tên tuổi (Dragon Capital, Vina Capital, DWS, IPMorgan...) khi các tổ chức này đầu tư vào TTCK Việt Nam. Và không ít quỹ đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, nhờ khoản đầu tư này.
Việc cổ phiếu VNM tăng giá mạnh đã giúp cho tỷ phú Thái-người đã rót hàng tỷ đô để mua cổ phiếu VNM từ SCIC thoái vốn giàu thêm rất nhiều.