Thẳng thắn chỉ ra bất cập trong công tác nhân sự
Thông báo cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên kết quả Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương (TƯ) khóa XII, ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ cho biết: Ban Chấp hành TƯ đã thống nhất cao, thông qua Nghị quyết Hội nghị về 6 nội dung chủ yếu.
Thứ nhất là phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành TƯ khoá XIII; Thứ hai, tiêu chuẩn, tiêu chí, số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Thứ ba, phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Thứ tư, Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019; công tác cán bộ. Thứ năm, Ban Chấp hành TƯ đã xem xét, cho ý kiến vào các văn bản: Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ Hội nghị TƯ 11 đến Hội nghị TƯ 12 khoá XII. Thứ sáu, Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra TƯ và Ủy ban Kiểm tra các cấp năm 2019.
Tại Hội nghị TƯ 12 vừa qua, Ban Chấp hành TƯ đã thống nhất trình Đại hội XIII số lượng khoảng 200 Ủy viên TƯ, trong đó khoảng 180 chính thức và 20 dự khuyết. Ủy viên Bộ Chính trị sẽ từ 17 - 19 người, Ban Bí thư từ 12 - 13 người.
Ban Chấp hành TƯ khóa XIII sẽ có 3 độ tuổi, theo đó số Ủy viên TƯ dưới 50 tuổi chiếm khoảng 15 - 20%; từ 50-60 tuổi có khoảng 70%; từ 61 tuổi trở lên khoảng 10%. TƯ cũng thống nhất tăng Ủy viên TƯ ở các địa bàn, công tác trọng yếu, chú ý tăng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số.
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Hồng Diên, tại Hội nghị TƯ 12, bên cạnh việc khẳng định những kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, Ban Chấp hành TƯ đã thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập trong công tác nhân sự.
Đó là quy trình giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành TƯ có điểm còn thiếu chặt chẽ, chưa phát huy được vai trò cấp ủy tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy tổ chức đảng trong giới thiệu nhân sự; chưa quy định rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân đề cử hoặc cá nhân nhận đề cử tại Đại hội cũng như tại Hội nghị.
Bên cạnh đó, công tác thẩm định đối với một số nhân sự còn thiếu chặt chẽ, chưa khoa học; cá biệt còn để sót, lọt những người chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thậm chí không có trong phương án nhân sự vào Ban Chấp hành TƯ, Bộ Chính trị. Ngoài ra, hiện tượng vận động tranh thủ phiếu bầu, giới thiệu diễn ra khá phức tạp, từ khi làm quy trình nhân sự và ngay trước thềm Đại hội.
Như vậy là nhiều quy chế, nội quy của Đại hội chưa được thực hiện nghiêm túc. Đại biểu giao lưu, gặp gỡ khá nhiều, trong những cuộc giao lưu đó xuất hiện những nhân tố chưa từng xuất hiện, điều đó thể hiện việc chưa nghiêm túc hoặc tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật của một số đại biểu chưa cao.
Cùng nhau đổi mới tư duy phát triển
Tại Hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ biểu dương, đánh giá cao vai trò của đội ngũ báo cáo viên cả nước đã tham gia tích cực, hiệu quả vào các nhiệm vụ chính trị của đất nước, địa phương trong thời gian qua, nhất là góp phần tuyên truyền nổi bật kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; công tác phòng, chống dịch Covid-19; các giải pháp khắc phục khó khăn, khôi phục phát triển kinh tế, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp...
Định hướng công tác tuyên truyền thời gian tới, ông Lê Mạnh Hùng đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc TƯ, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tiếp tục tập trung tuyên truyền về các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài ra cần tập trung tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác tuyên truyền hiện nay và trong thời gian tới.
Về tình hình kinh tế - xã hội, các báo cáo viên cần tuyên truyền những nội dung cơ bản Báo cáo của Chính phủ về “Phòng chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” do Thủ tướng Chính phủ trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Đặc biệt, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Lê Mạnh Hùng đề nghị đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở tuyên truyền thông điệp rất quan trọng của Thủ tướng Chính phủ: Tất cả chúng ta phải cùng nhau đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế…
Liên quan đến công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, ông Hùng khẳng định, đại dịch đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng Việt Nam đã thành công bước đầu trong kiểm soát dịch, được nhân dân cả nước, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Trong bối cảnh hết sức khó khăn, những kết quả quan trọng này là rất đáng trân trọng, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, động viên và củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội vào Đảng và Nhà nước, tạo nền tảng vững chắc cho phục hồi và phát triển đất nước trong thời gian tới.
Ông Lê Mạnh Hùng đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đội ngũ báo cáo viên tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền theo hướng thiết thực gắn với đời sống nhân dân và nhiệm vụ chính trị, qua đó khẳng định vị trí, vai trò của đội ngũ báo cáo viên trong đời sống chính trị - xã hội.