Về phương thức quy định các thiệt hại được bồi thường, dự thảo Luật quy định về các thiệt hại được bồi thường theo hướng quy định chi tiết, cụ thể các loại thiệt hại cũng như cách thức xác định, căn cứ xác định từng loại thiệt hại được bồi thường mà không quy định theo hướng mang tính khái quát, hay mang tính nguyên tắc chung.
Phương thức quy định này theo Bộ Tư pháp là phù hợp với định hướng rút ngắn thời hạn giải quyết yêu cầu bồi thường mà dự thảo Luật quy định vì để có thể rút ngắn thời hạn giải quyết yêu cầu bồi thường, thì các loại thiệt hại cần phải được quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác minh thiệt hại cũng như thương lượng việc bồi thường trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường.
Bên cạnh đó, trong từng nhóm thiệt hại được bồi thường dự thảo Luật quy định thêm nhiều loại thiệt hại cụ thể được bồi thường (ví dụ bổ sung quy định về thời điểm để xác định hiện trạng tài sản làm căn cứ tính toán mức bồi thường là thời điểm thiệt hại xảy ra; bổ sung quy định về thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại không thực hiện được các giao dịch dân sự, kinh tế; bổ sung quy định về phục hồi danh dự; bổ sung thêm một điều về các chí phí được Nhà nước bồi thường...).
Việc bổ sung thêm các loại thiệt hại được bồi thường là bởi, trên thực tiễn đã phát sinh nhiều loại thiệt hại mà thực tế người bị thiệt hại đã phải gánh chịu nhưng không được bồi thường do Luật TNBTCNN 2009 chưa có quy định.
Dự luật cũng quy định tăng mức thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong một số trường hợp như: bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù; sức khỏe bị xâm phạm; bị khởi tố, truy tố, xét xử mà không bị tạm giữ, tạm giam; bị xét xử, thi hành án cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo mà không bị tạm giữ, tạm giam; nâng các mức định lượng bồi thường cao hơn so với trước đây để bảo đảm phù hợp với quy định của BLDS 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (như mức tối đa của thiệt hại về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm được quy định nâng từ 30 tháng lương cơ sở lên thành 50 tháng lương cơ sở...);
Ngoài ra, dự luật bổ sung quy định về thiệt hại về tinh thần do bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn trái pháp luật, do bị buộc thôi việc trái pháp luật đối với đối tượng là công chức để phù hợp với việc quy định bổ sung các trường hợp này vào phạm vi TNBTCNN.
Nhiều ý kiến cho rằng với các quy định rõ ràng về thiệt hại được bồi thường như dự luật sẽ bảo đảm tính khả thi trong việc tính thiệt hại. Trên cơ sở quy định nguyên tắc xác định thiệt hại, qua đó giúp cho các cơ quan giải quyết bồi thường thuận lợi trong việc xác định thiệt hại được bồi thường. Quan trọng hơn, sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho những người bị thiệt hại.
Quy định này xuất phát từ thực tiễn, theo đó, trong hơn 06 năm thi hành Luật, trong nhiều vụ việc người bị thiệt hại đã yêu cầu bồi thường thiệt hại là các chi phí ăn, ở, đi lại, in ấn tài liệu trong quá trình khiếu nại, tố cáo... để có được quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo... làm căn cứ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, thiệt hại này của họ không được bồi thường do chưa được Luật TNBTCNN 2009 quy định là một loại thiệt hại được bồi thường.
Tuy nhiên, để xác định rõ là người bị thiệt hại sẽ được Nhà nước chi trả những loại chi phí nào, dự thảo Luật cũng quy định giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.