Lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tẩu tán tài sản
Mặc dù kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có nhiều chuyển biến, số tiền, tài sản thu hồi cao hơn so với những năm trước đây nhưng tỷ lệ thu hồi trên tổng số phải thu hồi vẫn còn thấp, chưa đạt như mong muốn; việc xử lý một số tài sản kê biên còn chậm. Vẫn còn có hiện tượng cán bộ, công chức vi phạm trình tự, thủ tục trong quá trình tổ chức thu hồi tài sản; có biểu hiện trông chờ, chưa thực hiện hết trách nhiệm.
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là do một số quy định vẫn chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới như: quy định về xử lý tài sản và đất nông nghiệp hết hạn sử dụng khi cơ quan THADS xử lý tài sản; quy định về xử lý tài sản kê biên là cổ phần, cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai, tài sản là các dự án bất động sản chưa hoàn thành về mặt pháp lý... Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến công tác thi hành án bị chậm tiến độ vì phải xin ý kiến của rất nhiều các bộ, ngành để thống nhất hướng xử lý.
Công tác THADS nói chung và thu hồi tài sản nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào các giai đoạn tố tụng trước đó, đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, kê biên tài sản của người phạm tội, ngăn ngừa hành vi tẩu tán tài sản, tiếp tay tẩu tán tài sản. Thực tế cho thấy, vụ việc nào cơ quan tố tụng tích cực truy tìm, áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa thì vụ việc đó có khả năng thu hồi rất cao. Ngược lại, có một số vụ việc đương sự lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tẩu tán tài sản.
Mặt khác, một số bản án Tòa án tuyên với số tiền thu hồi đặc biệt lớn, nhưng tài sản để đảm bảo thi hành án rất ít. Tình trạng pháp lý của nhiều tài sản kê biên không rõ ràng, phức tạp về pháp lý; có sự chênh lệch giữa biên bản kê biên và khối lượng thực tế; một số trường hợp Tòa án chậm chuyển giao hoặc chuyển giao thiếu tài liệu, hồ sơ pháp lý của tài sản kê biên; chậm giải thích, đính chính bản án theo đề nghị của cơ quan THADS...
Cơ chế quản lý tài sản của cá nhân, tổ chức còn thiếu hiệu quả; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn thiếu triệt để. Những tồn tại này gây nhiều khó khăn cho việc xác minh điều kiện thi hành án và xử lý để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
Trong khi đó, không ít trường hợp người phạm tội tham nhũng có sự chuẩn bị kỹ, đối phó ngay từ khi thực hiện các hành vi phạm tội; chủ động xóa dấu vết, tiêu hủy giấy tờ, chứng từ, che giấu, tẩu tán tài sản, bất hợp tác với cơ quan THADS. Sau khi xử lý hết tài sản kê biên, do đa số người phải thi hành án phải chấp hành hình phạt tù dài hạn nên không có thu nhập để thi hành án.
Hoàn thiện thể chế theo tinh thần Chỉ thị số 04-CT/TW
Trong thời gian tới, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, cần tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Đặc biệt, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản theo tinh thần của Chỉ thị số 04-CT/TW. Theo đó, Bộ Tư pháp cần tổ chức nghiên cứu hoàn thiện về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; tập trung hoàn thiện chính sách hình sự đối với người phạm tội tham nhũng đã chủ động khắc phục hậu quả; rà soát, sửa đổi bổ sung bất cập về uỷ thác THADS; xây dựng trình tự, thủ thục riêng về thi hành án các vụ án tham nhũng, kinh tế trong giai đoạn thi hành án dân sự; hoàn thiện quy định về thẩm định giá, bán đấu giá tài sản đã kê biên, phong toả để thi hành án.
Các Bộ, ngành khác như Bộ Tài Nguyên và Môi trường cần nghiên cứu hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực ngân hàng; Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoàn thiện cơ chế tương trợ tư pháp về hình sự để thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý tài sản phạm tội ở nước ngoài...
Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan tố tụng nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự và các quy định pháp luật liên quan; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong toả tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.
Cùng với đó, cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan THADS, tăng cường phối hợp trong công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm sát công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nhất là công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản.
Đồng thời thường xuyên rà soát thực hiện cơ chế điều động, luân chuyển, biệt phái để tăng cường lực lượng cho các địa bàn trọng điểm; chú trọng công tác bồi dưỡng, rèn luyện, tu dưỡng về đạo đức và chuyên môn cho đội ngũ chấp hành viên và công chức trong hệ thống THADS.