Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng tham dự và chỉ đạo Phiên họp.
Phiên họp tập trung đánh giá những kết quả đạt được kể từ Hội nghị Ngoại giao 31 đến nay, chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế và trao đổi về phương hướng công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân trong thời gian tới.
Phiên họp đã nghe 8 tham luận và nhiều ý kiến thảo luận của các Trưởng Cơ quan đại diện với kinh nghiệm phong phú từ các địa bàn khác nhau trong công tác phát huy nguồn lực, đại đoàn kết, vận động kiều bào và hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở sở tại củng cố địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, cũng như trong công tác bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài; từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được của các Cơ quan đại diện, ghi nhận, chia sẻ các ý kiến phát biểu, đóng góp sâu sắc, tâm huyết của các Trưởng Cơ quan đại diện.
Về phương hướng thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị các Cơ quan đại diện tiếp tục bám sát, triển khai các nhiệm vụ trong Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026.
Đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động vận động kiều bào, nhất là thế hệ trẻ gắn kết với quê hương.
Đẩy mạnh phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước.
Đồng thời, chú trọng chăm lo, hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống, hội nhập xã hội sở tại; tăng cường hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc; đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền tới cộng đồng.
Về công tác bảo hộ công dân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa, gấp rút hoàn thiện quy chế, quy trình xử lý công tác bảo hộ công dân.
Cùng với đó, đa dạng hóa hình thức tiếp nhận, xử lý thông tin, tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng sở tại, đặc biệt trong việc giải quyết các vấn đề khẩn cấp/khủng hoảng.
Chú trọng công tác đánh giá, dự báo, cảnh báo về khủng hoảng, thảm họa để sớm có phương án xử lý phù hợp, giảm thiểu những tác động tiêu cực; và chủ động thông tin, truyền thông nhanh chóng, kịp thời, chính xác về các vụ việc bảo hộ công dân bằng nhiều hình thức, đặc biệt là các vụ việc được dư luận quan tâm..