Trước tình trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, cụ thể: Bộ đã ban hành các Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước (trong đó có việc quan trắc, giám sát đối với các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất);
Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT quy định về xử lý, trám lấp giếng khoan không sử dụng; Thông tư số 75/2017/TT-BTNMT quy định bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất. Đặc biệt, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, trong đó quy định cụ thể nguyên tắc khoanh định và áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất theo đó quy định Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức việc khoanh định, phê duyệt, công bố Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và triển khai thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất...nhằm kiểm soát, hạn chế khai thác đối với các khu vực nguồn nước dưới đất có nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt.
Đến nay, đã có khoảng 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và triển khai có hiệu quả việc hạn chế khai thác nước dưới đất tại các khu vực có nguy cơ hạ thấp mực nước quá mức, nguy cơ sụt lún đất. Kết quả là mực nước dưới đất tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đô thị vùng ĐBSCL đã được kiểm soát và đang có dấu hiệu phục hồi đáng kể, mực nước dưới đất đang dâng lên tại Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Cà Mau và một số tỉnh khác thuộc ĐBSCL.
Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, Phó cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết: Việc phục hồi, làm sống lại các “dòng sông chết” được xem là một trong những vấn đề cần được ưu tiên triển khai trong những năm tới nhằm nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái và các giá trị của nguồn nước đã mất đi do quá trình phát triển nhanh chóng kinh tế, quá trình đô thị hóa nhanh, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gia tăng kéo theo các hoạt động xả nước thải, nhất là nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn xả vào nguồn nước, đã và đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn, nghiêm trọng đến cả số lượng và chất lượng nguồn nước các sông, suối và các tầng chứa nước.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung nhiều quy định, chính sách liên quan đến phục hồi các dòng sông và để đảm bảo tính khoa học, khả thi đã quy định rõ cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động phục hồi nguồn nước để có cơ sở huy động, phân bổ nguồn lực phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm (Điều 34, 72 và 74).
Đồng thời, bổ sung quy định xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi các “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông (như đang được bắt đầu thực hiện đối với sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy thông qua việc xây dựng các đập dâng để tạo dòng chảy).
Bên cạnh đó, việc cấp phép, khai thác sử dụng tài nguyên nước cũng được quy định rất chặt chẽ.
Theo Phó cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà, điều kiện để được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước:
Đã hoàn thành việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Nghị định này (nếu thuộc trường hợp phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan); có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, quy hoạch chuyên ngành có liên quan đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước nếu chưa có các quy hoạch và quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực; phương án thiết kế công trình hoặc công trình khai thác tài nguyên nước phải phù hợp với quy mô, đối tượng khai thác và đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, môi trường.
Ngoài ra, công tác kiểm soát quy hoạch, cấp giấy phép song song với việc kiểm tra, giám sát chấp hành pháp luật cũng được đánh giá rất quan trọng.
"Công tác cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất hiện nay hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất cho các tổ chức, cá nhân khai thác để sử dụng cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp khoảng 150 giấy phép khai, sử dụng nước dưới đất (quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên); các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp khoảng 9.500 giấy phép (quy mô từ 10 m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm)", Phó cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết.
"Về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước góp phần bảo đảm nâng cao hiệu quả sử dụng nước, bảo vệ nguồn nước các lưu vực sông. Việc lắp đặt thiết bị do chủ công trình khai thác, sử dụng nước tự chịu trách nhiệm và kết nối về hệ thống giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đến nay, đã hoàn thành việc kết nối giám sát trực tuyến gần 656/1.945 công trình thuộc quy mô cấp phép của Bộ. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiến hành kết nối với hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước của các địa phương trên cả nước", Phó cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết thêm.
Được biết, Cục quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) đã xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi trình Bộ, trình Chính phủ, trình Quốc hội đã được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.