Tham dự buổi Lễ ở đầu cầu Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trung ương Nguyễn Thanh Hải; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng; Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du; Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh; Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, đại diện các cơ quan hữu quan của Việt Nam và các chuyên gia Dự án JICA tại Việt Nam.
Ở đầu cầu Nhật Bản có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Kamikawa Yoko;, Phó Chủ tịch JICA Nhật Bản Nakamura Toshiyuki; ông Morishima Akio - Giáo sư danh sư Đại học Nagoya, Nhật Bản và một số cán bộ Bộ Tư pháp Nhật Bản, JICA Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc tại Lễ khởi động Dự án, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao sự hợp tác, ủng hộ của Chính phủ Nhật Bản, thông qua JICA, đối với các cơ quan pháp luật và tư pháp Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ pháp luật và tư pháp. Việc hai Bộ Tư pháp Việt Nam – Nhật Bản, JICA Nhật Bản cùng các cơ quan đối tác thực hiện Dự án cùng đồng hành triển khai thực hiện Dự án này là minh chứng cho sự đồng hành và hợp tác vì sự phát triển của Việt Nam nói riêng, mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia nói chung cũng như đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Bộ trưởng Lê Thành Long tin tưởng Dự án mới với nhiều nội dung, cơ chế vận hành sẽ đạt được mục tiêu, kỳ vọng đã đặt ra. |
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng tin tưởng Dự án mới với nhiều nội dung, cơ chế vận hành sẽ đạt được mục tiêu, kỳ vọng đã đặt ra. Qua đó, Bộ trưởng đề nghị tất cả cơ quan, tổ chức, đối tác và từng cá nhân tham gia Dự án của cả hai bên phải nỗ lực hết mình, có tinh thần trách nhiệm cao, tăng cường chia sẻ, thấu hiểu nhau, cùng nhau tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện Dự án.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Kamikawa Yoko cho rằng dự án sẽ là bước tiến lớn giúp quan hệ hữu nghị hợp tác của hai nước phát triển lên một giai đoạn mới. |
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Kamikawa Yoko cho rằng dự án này sẽ là bước tiến lớn giúp quan hệ hữu nghị hợp tác của hai nước phát triển lên một giai đoạn mới. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh những thành quả thu được trong thời gian vừa qua là minh chứng cho mối quan hệ tư pháp và pháp luật giữa Việt Nam và Nhật Bản. Qua đó, Bộ trưởng cam kết sẽ hợp tác một cách toàn diện, chặt chẽ với các cơ quan đối tác Việt Nam để thực hiện thành công Dự án mới này.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chia sẻ về một số định hướng cho việc thực hiện Dự án. |
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và Giáo sư Morishima Akio – người đặt nền móng cho hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam – Nhật Bản từ đầu những năm 90 đã phát biểu, chia sẻ về một số định hướng cho việc thực hiện Dự án. Theo đó, Dự án JICA giai đoạn 2021 – 2025 sẽ có một số điểm mới so với các Dự án JICA trước đây liên quan đến việc xác định nội dung hợp tác và cách thức triển khai thực hiện Dự án, đòi hỏi sự cam kết cao, chủ động và đề cao trách nhiệm từ phía các cơ quan đối tác Việt Nam.
Ngoài ra, trong việc quản lý thực hiện dự án, Dự án cũng đề cao nguyên tắc quản lý chặt chẽ, đề cao vai trò của cơ quan chủ quản cũng như sự phối hợp ba bên giữa cơ quan chủ quan – JICA – các cơ quan đối tác cần phải được đảm bảo chặt chẽ, kịp thời để dự án được triển khai đúng tiến độ, thông suốt, hiệu quả, thiết thực theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Nguyễn Hữu Huyên phát biểu tại Lễ khởi động Dự án. |
Được biết, theo Quyết định số 1613/QĐ-TTg ngày 13/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thực hiện Dự án, Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025 do JICA tài trợ với tổng số vốn tài trợ dự kiến là 6.449.073 USD được thực hiện trong thời gian 05 năm (từ 01/01/2021 – 31/12/2025). Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản dự án, các cơ quan Việt Nam tham gia Dự án bao gồm: Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Liên đoàn luật sư Việt Nam.
Mục tiêu của Dự án là nâng cao chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam gắn với tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả, góp phần thúc đẩy cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia theo các chuẩn mực quốc tế.