Theo Doing Business 2018, Việt Nam và Indonesia là hai nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua, trong đó mỗi nước cùng có 39 cải cách. Hiện nay, doanh nhân tại TP. HCM chỉ mất 22 ngày và 6,5% thu nhập đầu người để đăng ký thành lập DN mới, so với 61 ngày và 31,9% năm 2003.
Nhận định về thứ hạng của Việt Nam, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban MTKD và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua. Theo bà Thảo, kết quả tích cực này đạt được bởi 8/10 chỉ số tăng điểm (không có chỉ số nào giảm điểm), 6/10 chỉ số tăng bậc. Trong 6 chỉ số thành phần tăng hạng, trước hết phải kể đến là Nộp thuế và BHXH. Đây là chỉ số tăng điểm và tăng hạng nhiều nhất (tương ứng tăng 14,78 điểm và 81 bậc), đạt vị trí 86/190 (năm ngoái ở vị trí 167). Chỉ số này được ghi nhận cải thiện trong thủ tục nộp thuế và việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng giao dịch điện tử trong thủ tục BHXH.
Chỉ số tiếp theo có sự tăng điểm và tăng hạng là Tiếp cận điện năng với thứ hạng 64/190 nền kinh tế (tăng 32 bậc). Chỉ số này được ghi nhận cải thiện về mức độ tin cậy cung ứng điện năng thông qua vận hành hệ thống giám sát năng lượng SCADA. Đây là hệ thống vận hành tự động hoá với chức năng quản lý, giám sát hệ thống điện qua thiết bị theo dõi các thông số kỹ thuật chính của nguồn điện, giúp tiết kiệm điện năng và bảo vệ môi trường. Các chỉ số Tiếp cận tín dụng; Cấp phép xây dựng; Bảo vệ nhà đầu tư; Giải quyết tranh chấp hợp đồng cũng có sự cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, vẫn còn 4/10 chỉ số MTKD giảm bậc, gồm Khởi sự kinh doanh (giảm 2 bậc), Đăng ký sở hữu tài sản (giảm 4 bậc), Giao dịch thương mại qua biên giới (giảm 1 bậc) và Giải quyết phá sản DN (giảm 4 bậc). Sự giảm bậc không phải do các chỉ số không có sự cải thiện mà do các quốc gia khác có sự cải thiện tốt hơn Việt Nam trên các chỉ số này (vì không có chỉ số nào giảm điểm, 3 trong 4 chỉ số tăng điểm, 1 chỉ số không thay đổi về điểm số). Riêng đối với chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới, WB ghi nhận Việt Nam có cải cách tích cực trong thủ tục hải quan điện tử và cơ quan hải quan làm thêm giờ để giải quyết thủ tục cho DN.
Theo bà Thảo, mặc dù Việt Nam đứng trên Indonesia (thứ 72) và Philippines (thứ 113), nhưng hiện vẫn đứng sau 4 nước trong khu vực ASEAN, gồm: Singapore (thứ 2); Malaysia (thứ 24); Thái Lan (thứ 26); và Brunei (thứ 56). Đáng chú ý là trong năm nay, cùng với Việt Nam, 3 nước gồm Thái Lan, Indonesia và Brunei cũng có sự tăng hạng vượt bậc và thậm chí nhanh hơn Việt Nam. “Với đà cải cách mạnh mẽ của các nước trong khu vực thì mục tiêu Việt Nam đạt mức độ trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về MTKD sẽ trở nên thách thức và đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm và nỗ lực nhiều hơn...” - bà Thảo lưu ý.
TS Lê Đăng Doanh, Chuyên gia Kinh tế:
“Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa, ngay cả cải thiện các chỉ số đã có tiến bộ…”
Tôi khá phấn khởi về chỉ số MTKD Việt Nam được WB đánh giá có sự nhảy vọt. Đây là mức cải thiện rất đáng kể so với các nước trong khu vực và cho thấy các chính sách của Chính phủ đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Tôi tin rằng các chỉ số trong báo cáo là một căn cứ, ngoài các căn cứ về chi phí khác như thuế, vận tải, đất đai... họ sẽ có thêm những tư liệu để quyết định đầu tư cả đối với khu vực FDI và khu vực đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, tôi vẫn lo là các yếu tố khác như bảo vệ cổ đông thiểu số thì Việt Nam vẫn đang còn thấp. Việt Nam không nên tự mãn bởi thứ hạng 68/190 nước thì chưa phải là mức cao lắm. Để tạo đột phá thì chúng ta cần làm nhiều hơn nữa, ngay cả cải thiện các chỉ số đã có tiến bộ như WB đánh giá…