Tầm nhìn cho thể thao, thấy nhưng làm được không?

Thể thao Việt Nam hướng tới sân chơi châu lục. Ảnh: G.P
Thể thao Việt Nam hướng tới sân chơi châu lục. Ảnh: G.P
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong tuần tới, một “hội nghị Diên Hồng” về tầm nhìn cho thể thao Việt Nam tới 2045 sẽ được tổ chức. Tầm nhìn chúng ta đã có, nhưng để mang những tấm huy chương ở những đấu trường như Olympic là không hề dễ dàng.

Trong Chiến lược phát triển thể dục thể thao (TDTT) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thể thao Việt Nam (TTVN) nâng cao thành tích, từng bước tiệm cận, tiến tới ngang tầm các nước có nền thể thao phát triển tại châu Á. Khát vọng là vậy, nhưng liệu TTVN làm được điều đó không?

Mục tiêu cụ thể mà TTVN đặt ra là đến năm 2030 là thể thao thành tích cao duy trì trong top 3 tại các kỳ SEA Games và trong top 20 tại các kỳ Asian Games (ASIAD); trong đó phấn đấu đạt từ 5-7 huy chương vàng (HCV) tại các kỳ ASIAD, có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic, bóng đá nam trong top 10 châu Á và bóng đá nữ trong top 8 châu Á.

Và tầm nhìn đến năm 2045 sẽ là: Thể thao thành tích cao thường xuyên duy trì trong top 2 tại các kỳ SEA Games, trong top 15 tại các kỳ ASIAD và top 50 tại các kỳ Olympic; bóng đá nam trong top 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; bóng đá nữ trong top 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.

SEA Games là sàn đấu ở dạng “ao làng” không đáng bàn nhiều, nhưng ra tầm châu Á để tranh giành huy chương là chuyện không đơn giản. Mục tiêu đến năm 2030 chúng ta sẽ có mặt trong top 20 và có được từ 5-7 HCV tại ASIAD. Ở Châu Á Trung Quốc vẫn cường quốc thể thao số 1, rồi tới Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi đó Việt Nam xếp ở vị trí thứ 21 với 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ.

Thực tế tại các kỳ ASIAD cho thấy, cuộc chiến cạnh tranh HCV của VĐV Việt Nam, nếu không “né” được các VĐV mạnh đến từ 3 quốc gia này thì sẽ khó có cửa. Bên cạnh đó không thể không nhắc tới các đối thủ đến từ Ấn Độ, Uzbekistan, Đài Loan (Trung Quốc), Iran, Triều Tiên, Thái Lan...

Những số liệu về thể thao thành tích cao tại các kỳ Olympic 2020, Olympic 2024, ASIAD 2018, ASIAD 2022 cho rằng tham vọng có mặt trong top 20 của TTVN là một thách thức không nhỏ. Với những cách làm như hiện này là đầu tư dàn trải, ít có tài năng trẻ kế cận, ít có chuyên gia, HLV giỏi, cơ sở vật chất để huấn luyện còn lạc hậu, thành tích thi đấu vẫn chưa thoát khỏi Đông Nam Á… thì rất khó cho chúng ta lớn mạnh hơn.

Thông tin về Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 12/11 tới đây, Cục trưởng Đặng Hà Việt chia sẻ: “Nội dung của Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ tập trung vào việc phổ biến, quán triệt nội dung Quyết định số 1189/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó trao đổi, thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần triển khai thực hiện để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra”.

Liệu những tham vọng của ngành TTVN có thành hiện thực trong vài năm tới mà trước mắt là 4 năm nữa tại Olympic 2026. Tầm nhìn đã mở, nhưng để thành hiện thực nó không chỉ phát biểu trong một hội nghị.

Đọc thêm

Sự nghiệp dư ở V.League

CLB Sông Lam Nghệ An đang khởi đầu mùa giải rất tệ (Ảnh SLNA)
(PLVN) - Việc đến hay không đến của Công Vinh với Sông Lam Nghệ An cho thấy sự nghiệp dư của giải đấu.