Người ta có thể gặp việc đi ngược chiều ở bất cứ đâu trên nhiều tuyến đường của Hà Nội, kể cả khu vực đó có biển báo. Hầu hết những người vi phạm khi bị xử phạt đều vò đầu gãi tai nói rằng mình không biết, hoặc năn nỉ xin bỏ qua vì đi một đoạn cho tiện. Nhưng cũng từ câu chuyện này cho thấy, phải chăng tai nạn giao thông đang trở thành vấn nạn xã hội cũng có một phần nguyên nhân từ những hạn chế của công tác tuyên truyền luật tới người dân?
Biển báo vô hiệu |
Biển báo không còn tác dụng?
7h30, đoạn đường giao thông qua Tổng Công ty Sông Đà (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) bị dồn ứ cục bộ. Lý do là đoạn quay đầu xe tại một nút giao có rất nhiều phương tiện xe máy đi ngược chiều để rẽ vào cổng Công ty Sông Đà, nơi có rất nhiều cơ quan doanh nghiệp có trụ sở. Do từ đoạn quay đầu xe xuống cổng ra vào chỉ có hơn chục mét nên rất nhiều người hồn nhiên đi ngược chiều… cho tiện vì nếu quay đầu xe ở điểm giao phía dưới, người điều khiển phương tiện sẽ phải đi thêm 5 phút.
Một buổi chiều giữa tháng 11, tổ công tác giao thông của Công an huyện Từ Liêm tại Bến xe Mỹ Đình xử phạt tới vài chục trường hợp vì vi phạm đi ngược chiều. Để thuận tiện cho xe khách ra khỏi bến và tránh ùn tắc tại ngõ ra, lực lượng chức năng đã dựng biển báo cấm đi ngược chiều rất to ngay lối đi và rất dễ quan sát. Vậy mà người điều khiển phương tiện vẫn cứ hồn nhiên phóng xe đi vào lối này để đưa người thân ra xe và đổ xăng. Các trường hợp khi bị xử phạt đều gãi đầu, gãi tai kêu rằng mình không biết. Hoặc đưa ra lý do rất khó chấp nhận: “Em thấy người ta đi được thì chắc mình cũng đi được”...
Tình trạng này nhiều hôm dẫn đến việc nút giao thông này vốn dễ đi nhưng vẫn xảy ra dồn ứ và tắc nghẽn bởi đâu đó trong dòng người lại là một vài phương tiện đi ngược chiều. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là tại sao các biển báo không còn tác dụng? Hay chính việc thiết kế nút giao không tính đến các ngõ dân sinh và việc đi lại thiếu ý thức của người dân là nguyên nhân?
Ngược chiều vì không biết luật?
Trao đổi với một Thanh tra giao thông cách đây không lâu về tình trạng vi phạm đi ngược chiều, được biết: “Nhiều lắm, chúng tôi xử lý không xuể. Có đợt ra quân xử lý vi phạm, riêng lỗi đi ngược chiều lên tới vài chục trường hợp. Có trường hợp chúng tôi phạt đến mấy lần”.
Ý thức người dân tham gia giao thông là rất quan trọng để cải thiện tình hình. Không thể vì cái tiện lợi nhỏ nhoi của mình mà ảnh hưởng đến người khác được. Đi ngắn được một đoạn đường nhưng làm cả dòng phương tiện đối diện phải bị gián đoạn, nhiều tai nạn đã xảy ra và lỗi đó hoàn toàn thuộc về người đã vi phạm”.
Còn một người vi phạm thì cho biết, anh ta không biết luật có mức phạt với hành vi đi ngược chiều. Nếu biết, anh đã không đi. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là bên cạnh những kẻ liều, cố ý vi phạm thì còn có bao nhiêu người phạm luật vì không được biết, không được tuyên truyền đến nơi đến chốn?.
Theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính phủ, hành vi đi ngược chiều hiện nay sẽ bị xử phạt tiền theo quy định tại điểm đ Khoản 3 Điều 9 của Nghị định. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm mà gây tai nạn giao thông nhưng chưa tới mức nghiêm trọng thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe tới 60 ngày… Liệu có bao nhiêu chủ phương tiện khi quyết định đi ngược chiều đã biết và dành sự quan tâm cho điều đó?.
Đã có xe buýt nhiên liệu sạch Sau nhiều lần lỗi hẹn, xe buýt chạy bằng khí nén thiên nhiên (CNG) đã bước đầu được đưa vào sử dụng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Với những người hàng ngày phải hít thở làn khói đen xì của xe buýt trên đường thì đây thực sự là tin vui. Tuy nhiên, theo ông Chu Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải), đó chỉ là những bước đi đầu tiên trong xu hướng sử dụng nhiên liệu sạch đối với ngành giao thông. Hiện nước ta đang khuyến khích các chủ phương tiện sử dụng khí dầu hóa lỏng (LPG) và khí nén tự nhiên (CNG). Một số dự án thí điểm sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên nén (CNG) đã được triển khai và mang lại hiệu quả như ứng dụng bộ chuyển đổi xăng sang LPG đã được sử dụng khá rộng rãi trên xe taxi ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với nhiên liệu sạch được đưa vào sử dụng tại Việt Nam cũng gặp những khó khăn trong việc chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu truyền thống sang sử dụng CNG, LPG. |
Uyên Lê