Lễ ra mắt bộ sách Đại Nam thực lục tái bản sau 60 năm (1962 - 2022) được tổ chức ngày 2.6 tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội. Theo PGS-TS Đỗ Bang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Đại Nam thực lục là bộ sử đồ sộ nhất của Việt Nam đã được ấn hành.
“Đây là bộ sử được thực hiện trong gần 90 năm (1821 -1909) từ triều Minh Mạng đến triều Duy Tân, tập trung các đại thần và chuyên gia hàng đầu của triều đình Huế, cũng là một kỷ lục về thời gian và kỳ công tổ chức biên soạn”, PGS-TS Đỗ Bang cho biết.
Cũng theo PGS-TS Đỗ Bang, Đại Nam thực lục chính biên biên soạn từ nguồn tư liệu chính là các bản tâu của các cơ quan trung ương, địa phương, các đại thần gửi đến triều đình, được các vua Nguyễn phê duyệt bằng bút son gọi là châu bản, bản phó được Nội các sao chép và chuyển cho Quốc Sử quán để làm tư liệu biên soạn sách Thực lục.
Chính vì thế, Đại Nam thực lục chuẩn xác về nhân vật, sự kiện và thể hiện tương đối đầy đủ, trung thực về chính sách, chủ trương của vương triều, quan điểm của các vua Nguyễn.
PGS-TS Đỗ Bang đánh giá: “Khảo cứu Đại Nam thực lục cho biết về các chính sách của triều Nguyễn thể hiện quan nguồn tư liệu châu bản được vua phê duyệt, trong đó có những vấn đề hiện nay rất được quan tâm như Ruộng đất, Biển đảo, địa danh, địa giới hành chính, tôn giáo, dân tộc thiểu số, người Hoa, đối ngoại với Trung Quốc, các nước phương Tây”.
Cụ thể, Đại Nam thực lục cho biết vào năm 1803, vua Gia Long cho tái lập đội Hoàng Sa vào năm 1816, đưa thủy quân xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa, chính thức hóa chủ quyền của nhà nước Trung ương được thế giới lúc bấy giờ thừa nhận. Đây cũng là mốc quan trọng cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hơn 200 năm qua.
“Triều đình Minh Mạng cử nhiều cơ quan trung ương ra Hoàng Sa để làm nhiệm vụ khai thác và thực thi chủ quyền là đỉnh cao về giải pháp để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam”, PGS-TS Đỗ Bang nói.
Bộ sách cũng cho biết đầy đủ nền kinh tế Việt Nam thế kỷ XIX, nổi bật là khai hoang lập ấp ở miền Nam và các vùng duyên hải miền Bắc, hoạt động thủy lợi trên cả nước.
Sách cũng giúp hiểu rõ hơn việc triều Nguyễn thực hiện chính sách trọng nông ức thương, nhưng không bế quan tỏa cảng như nhiều sách giáo khoa đã viết. Họ vẫn mở cửa Đà Nẵng cho tàu phương Tây vào buôn bán, thuyền buôn của triều đình vẫn đến trao đổi hàng hóa ở các nước Đông Nam Á. Cuối thời Minh Mạng, tàu của triều đình Huế qua tận châu Âu để giao dịch cả Pháp và Anh.
PGS-TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội, cho hay bộ Đại Nam thực lục được Viện trưởng Viện Sử học - GS Trần Huy Liệu - tổ chức khai thác tư liệu, dịch từ 1960. Tới 1962, tập 1 của Đại Nam thực lục được xuất bản.
Nhóm 17 cán bộ phiên dịch; 5 cán bộ hiệu đính của Viện Sử học là những nhà Hán học uyên thâm tiêu biểu như Đào Duy Anh, Hoa Bằng, Nguyễn Trọng Hân, Cao Huy Giu, Nguyễn Mạnh Duân, kết hợp các cơ quan xuất bản của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (khi đó là Viện KHXH) đã mất 16 năm để thực hiện việc dịch và xuất bản bộ Đại Nam thực lục.