Đường Trường Sơn hay “đường mòn” Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược chạy từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam, đi qua miền Trung, hạ Lào và Campuchia. Hệ thống giao thông này đóng vai trò cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí khí tài để chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 16 năm (1959 - 1975) của thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 65 năm ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ tổ chức triển lãm “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại” từ ngày 26/4 - 31/5 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Triển lãm gồm 2 chủ đề “Tuyến chi viện chiến lược cho miền Nam” và “Con đường huyền thoại”.
Tháng 5/1959, sau Hội nghị Trung ương lần thứ 15, Bộ Chính trị giao Quân uỷ Trung ương nghiên cứu tổ chức một đoàn giao thông quân sự đặc biệt, mở tuyến giao thông vận tải đưa cán bộ, vũ khí, thiết bị vật tư y tế, lương thực, hàng hoá cần thiết vào miền Nam với quan điểm “Đây là một việc lớn, có ý nghĩa chiến lược, quan hệ trực tiếp đến sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”, “Mở đường và tổ chức vận tải từ miền Bắc vào miền Nam phải tuyệt đối bí mật và an toàn”.
Người được Bộ Chính trị lựa chọn và trực tiếp giao nhiệm vụ tổ chức tuyến đường này là Thượng tá Võ Bẩm. Qua những tiêu chuẩn lựa chọn khắt khe, cụ thể, Thượng tá Võ Bẩm chọn được 8 người và tổ chức họp ngày 19/5/1959 tại Hà Nội để triển khai kế hoạch. Đơn vị được mang tên Đoàn 559, tức tháng 5 năm 1959. Cũng từ đó ngày 19/5 được coi là ngày truyền thống của bộ đội Trường Sơn.
Đường Trường Sơn là con đường được những người lính trong cuộc chiến gọi là “Tuyến lửa”. Theo văn bản lịch sử chính thức của cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ ghi lại, đường Trường Sơn được quân đội Mỹ coi là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20”.
Mùa hè 1974, đường Đông và Tây Trường Sơn đã hình thành một hệ thống liên hoàn, vững chắc, là cơ sở hạ tầng bảo đảm chi viện liên tục vật chất, cơ động lực lượng, binh khí kỹ thuật, bảo đảm cho đòn tấn công chiến lược khi thời cơ đến. Đồng thời tuyến hành lang Đông - Tây Trường Sơn đã hình thành một căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch rộng 130.000km2, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, là chỗ dựa vững chắc cho các chiến trường. Đây là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi nhiệm vụ chi viện của hậu phương chiến lược miền Bắc cho các chiến trường tại miền Nam, Lào và Campuchia nói chung và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975 nói riêng toàn thắng.
Tính đến ngày Việt Nam thống nhất, đường Trường Sơn đã hoạt động gần 6.000 ngày đêm. Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn với quân số khoảng 120.000 người đã làm nên mạng lưới đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, tổng chiều dài gần 20.000km đường ô tô, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, 3.140km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống ngầm.
Quân đội nhân dân Việt Nam đã nhờ hệ thống đường này mà hành quân vượt đèo, lội suối với chiếc gậy Trường Sơn là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp đôi chân thêm vững vàng, cùng với đôi dép cao su, còn gọi là “đôi dép Bác Hồ”, vững bước hành quân tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Con đường Trường Sơn, con đường Hồ Chí Minh là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí, nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam, quyết đem sức người, sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn, là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”.
(Đại tướng Võ Nguyên Giáp)