Cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thẩm phán (TP) và Hội thẩm Tòa án nhân dân (TAND) sáng qua - 21/7, trong Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có rất nhiều quan điểm trái chiều…
Nhưng, chế độ đãi ngộ cho ngành tư pháp thực tế vẫn rất thấp... |
4 cấp là trái luật
Trước khi Pháp lệnh sửa đổi được đưa ra thảo luận tại phiên họp thứ 32, TANDTC đã có Tờ trình bổ sung một số vấn đề quan trọng của dự án, trong đó có quy định về ngạch thẩm phán.
Ban đầu, theo tờ trình này thì nên có 4 ngạch thẩm phán (Thẩm phán TANDTC, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp).
Theo TANDTC, việc phân chia như vậy sẽ giải quyết được tình trạng bức xúc trong công tác luân chuyển, điều động, bố trí thẩm phán như hiện nay và lâu dài đây sẽ là thẩm phán 4 cấp theo tinh thần cải cách tư pháp.
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nếu quy định như trên sẽ không đảm bảo thống nhất với Hiến pháp và Luật Tổ chức TAND bởi tổ chức Tòa án vẫn có ba cấp nhưng dự thảo Pháp lệnh lại quy định 4 ngạch thẩm phán là chưa phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng không đồng tình: “Luật Tổ chức TAND khẳng định TANDTC chỉ có thẩm phán tối cao mà không thể có thẩm phán khác, nhưng Pháp lệnh sửa đổi thì có đến mấy loại thẩm phán”.
Tiếp thu các ý kiến của Cơ quan thẩm tra cũng như UBTVQH, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình xin rút từ 4 ngạch thẩm phán xuống còn ba.
“Phong” chức danh để lấy quần áo ?!
Sau khi kể câu chuyện về cái thời ngay đến cả lái xe của VKS cũng phải bổ nhiệm Kiểm sát viên để được trang bị quần áo, giày dép…, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận “xin lỗi nói thẳng”, việc sửa đổi Pháp lệnh chỉ nhằm giải quyết về chế độ cho cán bộ Tòa án.
Chia sẻ về những khó khăn của ngành Tòa án nhưng ôngTrần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện cũng không ngần ngại: “Anh nói khó trong điều động thẩm phán nhưng thực chất vấn đề chỉ vì phụ cấp của người bị điều động (ví dụ từ tỉnh xuống huyện) giảm đi nên khó thôi.” Nếu chỉ vì chuyện rất “không đáng kể” đó mà sửa Pháp lệnh, theo ông Vượng thì chưa nên.
Trước những phản ứng mạnh mẽ của một số thành viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phải nhiều lần đứng lên phân trần: Sửa Pháp lệnh không chỉ để giải quyết về chế độ mà để tăng cường năng lực cho đội ngũ thẩm phán, nhất là ở cấp huyện.
Đồng thời, việc phân cấp theo ngạch thẩm phán giúp cho quá trình điều động, luân chuyển bớt khó khăn (vì thực tế hiện nay quy trình này hết sức rắc rối, mất thời gian).
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình và Phó Chánh án Trần Văn Tú cũng khẳng định, sửa Pháp lệnh không trái Hiến pháp, không trái luật và tháo gỡ những khó khăn bất cập đang đặt ra cho ngành Tòa án hiện nay.
Ủng hộ quan điểm của TANDTC, Trưởng ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên và Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đều cho rằng cần thiết sửa Pháp lệnh.
Thậm chí, ông Tuyên nhấn mạnh: “Các ngành khác đã tăng lương hết rồi, mà ngành Tòa án nói riêng, các cơ quan tư pháp nói chung vẫn chưa được quan tâm đầy đủ như vậy là rất thiệt thòi. Nếu không gỡ được tổng thể, ta có thể gỡ từng phần”.
Kết thúc buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu giao dự thảo lại cho Ủy ban Tư pháp phối hợp với TANDTC tiếp thu nghiên cứu để xin thêm ý kiến của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và trình trong phiên họp tới.
Thu Hằng
Theo Ủy ban Tư pháp, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh lần này cần có bước đi thích hợp, vừa tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn, vừa bảo đảm tính pháp chế, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với định hướng cải cách tư pháp… |