Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin Hội Chống gian lận thương mại và Hỗ trợ người tiêu dùng TP HCM (AFCA) bị Giám đốc Sở Công Thương TP HCM kết luận sai phạm, khiến đơn vị này lao đao. Vậy đâu là sự thật?
Điều lệ Hội AFCA cho phép doanh nghiệp tham gia Hội này |
Báo cáo không kết luận AFCA sai phạm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Văn bản số 3824/SCT-TTSCT do Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Nguyễn Văn Lai ký ngày 3/8/2012 có nêu một số vấn đề như AFCA hoạt động thu hội phí cao, kết nạp nhiều Hội viên là doanh nghiệp trái với Điều lệ Hội, hoạt động AFCA đang trùng lắp với một tổ chức xã hội cùng lĩnh vực là Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM (HCA)...
Liên quan về quy định đóng hội phí, Luật sư Nguyễn Minh Hương, Phó Chủ tịch AFCA cho biết: Theo quy định của Luật Chất lượng Sản phẩm Hàng hóa và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, AFCA được phép tham gia hoạt động hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo Sắc lệnh số 102/SL-L004 quy định về quyền lập Hội đã nêu rõ tất cả Hội trên địa bàn Việt Nam khi được cấp phép hoạt động đều được phép thu hội phí của hội viên (Điều 5). Tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc về việc tổ chức, hoạt động và quản lý hội cũng quy định Hội có nguyên tắc “tự nguyện, tự quản” và “Tự bảo đảm kinh phí hoạt động” (Điều 3).
Ngoài ra, các Hội còn được rất nhiều quyền khác như: Được gây quỹ Hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để tự trang trải về kinh phí hoạt động (khoản 11, Điều 23); Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật (khoản 12, Điều 23). “Đối với AFCA, mức Hội phí không quá 20 triệu đồng/năm đâu phải là cao. Mức thu hội phí được AFCA ban hành công khai từ ngày 7/3/2011, gửi báo cáo cho Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM - đơn vị quản lý Nhà nước chuyên ngành lúc đó, chứ AFCA có dấu diếm gì đâu” – Luật sư Nguyễn Minh Hương, Phó Chủ tịch AFCA khẳng định.
Trước thông tin Sở Công Thương TPHCM kết luận AFCA sai phạm,đại diện Hội này khẳng định đây chỉ là nhận định xuyên tạc “không trong sáng”, trong Báo cáo số 3824/SCT-TTSCT do Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Văn Lai ký có nhắc nhở AFCA một số nội dung như thu phí cao…chứ toàn văn bản này không hề kết luận AFCA sai phạm. Theo Luật gia Nguyễn Thanh Việt, Hội Luật gia TP HCM phân tích: Cơ quan quản lý Nhà nước không có chức năng quy định Hội phí của các tổ chức xã hội. Còn “việc thu phí cao hay thấp đâu thể gọi là sai phạm” – ông Nguyễn Xuân Trình, Chánh Văn phòng AFCA khẳng định.
Như vậy, việc thu hội phí cao hay thấp là quyền của mỗi Hội, miễn là được hội viên đồng ý và không có dấu hiệu lừa đảo hay vi phạm pháp luật. Việc chỉ trích hội phí cao hay thấp từ phía cơ quan quản lý Nhà nước liệu có can thiệp quá sâu vào hoạt động của tổ chức?, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng tới quyền hợp pháp của công dân.
Doanh nghiệp tham gia AFCA là hợp pháp
Để làm rõ vấn đề Giám đốc Sở Công Thương TP HCM kết luận “AFCA kết nạp các đơn vị doanh nghiệp làm hội viên là trái với Điều lệ Hội đã được phê duyệt”, đại diện AFCA đưa ra Quyết định 37/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận ký ngày 6/2/2011 phê duyệt Điều lệ Hội; trong đó, tại Điều 2 ghi rõ: “AFCA là tổ chức xã hội quần chúng tự nguyện của các cá nhân, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trên địa bàn TPHCM”.
Tại Điều 3, cũng quy định “Mục đích của Hội là đoàn kết, tập hợp lực lượng các cá nhân, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trên địa bàn TP HCM nhằm hỗ trợ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, chống lại các hoạt động gian lận thương mại, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của TPHCM”. Như vậy, việc doanh nghiệp hoặc bất kỳ tổ chức hợp pháp nào tham gia AFCA hoàn toàn không trái quy định pháp luật.
Nguyễn Thảo