Sự cố y khoa có thể “chữa lành”?

Chuyên gia Thụy Điển Leif Person hướng dẫn nhân viên Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, Quảng Ninh phân tích nguyên nhân sự cố y khoa. (Nguồn: BV)
Chuyên gia Thụy Điển Leif Person hướng dẫn nhân viên Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, Quảng Ninh phân tích nguyên nhân sự cố y khoa. (Nguồn: BV)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự cố y khoa không mong muốn (Medical adverse events - MAE) hay bệnh sinh ra do thầy thuốc (Iatrogenic) nên được nhìn nhận công bằng, bởi lỗi có thể do nhân viên y tế hoặc không phải...

Nguyên nhân dẫn đến Iatrogenic không đơn giản

Theo báo chí truyền thông, ngày 20/2/2024, ông NHH (61 tuổi, mổ sỏi thận 17 năm trước) và ông NTN (52 tuổi, mổ sỏi niệu quản tháng 10/2023, có đặt ống JJ dẫn lưu niệu quản) cùng đến bệnh viện tỉnh Lâm Đồng. Hai ông được chỉ định chụp X-quang ổ bụng.

Xem film ông NHH có ống JJ nên bác sĩ chỉ định nội soi rút ống sonde. Ông NHH được gây tê tại chỗ, sau khoảng 30 phút đưa ống soi qua niệu đạo vào bàng quang, bác sĩ không thấy ống.

Khi biết nhầm lẫn, vợ ông NHH nói rằng 10 ngày trước ông chụp phim X-quang ở trung tâm y tế huyện, ổ bụng không có ống sonde. Nhưng khi bác sĩ bảo phải xử lý ngay, dù có chút “băn khoăn” nhưng gia đình vẫn “chấp hành”.

Việc nhầm sau này đã được lãnh đạo Sở Y tế Lâm Đồng lý giải: Gần 10h sáng hôm đó, kỹ thuật viên khoa X-quang gọi ông NHH vào chụp thì ông NTN vào. Do trên film X-quang chuẩn bị chụp đã gắn sẵn tên (theo quy trình) ông NHH nhưng người được chụp lại là ông NTN nên mới có hình ảnh ống JJ trong niệu quản.

Từ góc độ y khoa, rõ ràng kỹ thuật viên X-quang tắc trách nên vi phạm nguyên tắc “3 kiểm tra, 5 đối chiếu” của ngành Y, trong đó vấn đề đúng tên người bệnh là rất quan trọng. Về phần mình, bác sĩ nội soi cũng có sơ suất khi không hỏi lại kỹ bệnh nhân trước khi thực hiện. Bởi nếu hỏi và biết ông NHH đã mổ sỏi thận cách đây 17 năm thì trên film còn ống JJ là bất thường.

Thông thường ống sonde JJ có thể lưu trong cơ thể đến 12 tháng tùy theo loại ống và bệnh tình. Người bệnh phải khám lại đúng hẹn để rút hoặc thay ống. Nếu để quá sẽ có biến chứng xấu như đứt, tắc do bồi đắp canxi trên ống gây nguy hiểm.

Bệnh nhân chắc hẳn vì tâm lý như hầu hết người bệnh là tuân theo y lệnh nên không mạnh dạn trình bày về việc thời gian trước đã mổ và rút sonde ra sao cũng như kết quả film X-quang của tuyến huyện gần nhất. Có thể nói, phần lỗi ở câu chuyện này nghiêng về nhân viên y tế. Tuy nhầm lẫn này thuộc loại nhẹ, không gây hậu quả xấu, nhưng có nhiều khâu góp phần tạo nên nhầm lẫn, cho thấy nguyên nhân dẫn đến Iatrogenic không đơn giản.

Sự cố y khoa không hiếm gặp

Tại tỉnh Haute-Vienne, Pháp, năm 2011, cụ ông Gaston, 80 tuổi, đến bệnh viện Chenieux ở Limoge chữa tai nhưng bị mổ mắt. Do điếc, nên khi gọi tên người khác cụ tưởng là mình. Các bác sĩ không kiểm tra tên và rút dịch thủy tinh trong mắt của Gaston. Ngày hôm sau, bệnh viện phát hiện sai sót. Từ năm 2014, thị lực của cụ bắt đầu giảm mạnh đến gần như không thấy gì, do đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng ở đáy mắt.

Biết một phần bệnh của mình do lỗi y tế, cụ đến Ủy ban khu vực về Hòa giải và Bồi thường tai nạn y tế khiếu nại. Cơ quan này “cãi” rằng sớm muộn cụ cũng bị mù vì thoái hóa điểm vàng. Cụ Gaston đệ đơn ra tòa. Phiên tòa cuối năm 2017 khẳng định lỗi thuộc về bệnh viện và 2 trong 3 bác sĩ mổ mắt của cụ, mỗi người phải bồi thường 1.500 euro kèm phí xét xử; vị thứ ba được thỏa thuận mức đền bù.

Ở Mỹ, Willie King ở bang Florida bị tiểu đường biến chứng phải cắt cụt chân phải nhưng bị cắt nhầm chân trái, bệnh viện phải bồi thường 1.150.000 USD. Lenda McDougal, 46 tuổi, ở NewYork bị cắt cả hai bên vú do chẩn đoán ung thư. Sau mổ, làm tiêu bản mô vú đã cắt soi kính hiển vi không thấy tế bào ung thư. Tra cứu lại thấy xét nghiệm mô bị nhầm với một người ung thư vú khác...

Iatrogenic là những sai sót của thầy thuốc khi khám, chữa bệnh làm tình trạng sức khỏe người bệnh xấu đi tạm thời hoặc tàn tật vĩnh viễn, kéo dài ngày nằm viện hoặc chết. Iatrogenic rất đa dạng từ chẩn đoán sai, mổ, cho sai thuốc đến điện giật khi dùng dao mổ điện; nhiễm khuẩn chéo trong viện; không theo dõi người bệnh; trao nhầm trẻ sơ sinh; bệnh nhân tự sát, ngã trong viện...

Thống kê nhiều bệnh viện Mỹ, Úc, Đan Mạch, Hà Lan, Anh… thấy Iatrogenic từ 3,2 - 16,6% số nhập viện. Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, Khoa Y - Đại học New South Wales, Australia, từ 2000 - 2008 có hơn 251.000 người Mỹ chết vì Iatrogenic, chiếm 9,7% tử vong do Iatrogenic của các nước có nền y tế top đầu thế giới. Năm 2016, Iatrogenic là nguyên nhân tử vong thứ 3 ở Mỹ, sau bệnh tim mạch và ung thư.

Hiện mỗi năm ở Mỹ có khoảng 44.000 - 98.000 tử vong do Iatrogenic, cao hơn chết tai nạn giao thông (khoảng 43.000 theo Ủy ban an toàn quốc gia Mỹ), ung thư vú (khoảng 39.500) và HIV/AIDS (khoảng 16.000). Ở các nước đang phát triển, Iatrogenic còn nhiều hơn. Nghiên cứu 15.548 hồ sơ của 26 bệnh viện thuộc Egypt, Jordan, Kenya, Morocco, Tunisia, Sudan, Nam Phi và Yemen năm 2005, thấy tỉ lệ Iatrogenic từ 2,5 - 18,4%/tổng bệnh nhân nội trú. Trung bình toàn cầu, Iatrogenic khoảng 10%; một vài thống kê khác đưa ra tỉ lệ 7 - 8%.

Ở các nước, Iatrogenic do phẫu thuật chiếm trên 50% các sự cố. Khu vực nhiều Iatrogenic thứ hai là buồng bệnh, đến khu điều trị kỹ thuật cao, rồi chăm sóc đặc biệt (ICU). Iatrogenic còn xảy ra ở phòng mạch tư, trại dưỡng lão và tại nhà bệnh nhân.

Iatrogenic xảy ra trong bệnh viện từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. (Nguồn: QT)

Iatrogenic xảy ra trong bệnh viện từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. (Nguồn: QT)

Có thể khắc phục?

Y tế thế giới thừa nhận lỗi hoạt động và lỗi hệ thống gây ra Iatrogenic, nhưng 70% Iatrogenic do lỗi hệ thống, chỉ có 30% do lỗi hoạt động và luôn có xu hướng tăng ở các quốc gia. Lỗi hoạt động do người hành nghề gây ra vì họ trực tiếp khám, chữa bệnh, sự cố xảy ra họ thường bị gán lỗi đầu tiên.

Tuy nhiên, yếu tố hệ thống lại thường không được xem xét đúng mức, đó là chính sách, cơ chế vận hành (tự chủ, khoán làm tăng lạm dụng dịch vụ y tế…); tổ chức cung cấp dịch vụ (dây chuyền khám, chữa bệnh phức tạp, ngắt quãng, nhiều đầu mối, nhiều người nhưng hợp tác không tốt…); bố trí nguồn lực (bệnh viện, khoa quá tải, không đủ để bảo đảm chăm sóc người bệnh suốt 24 giờ và suốt tuần, các ngày cuối tuần, ngày lễ, nhân viên làm việc nhiều giờ, mệt mỏi thể chất và căng thẳng tâm thần; không thường xuyên đào tạo chuyên môn trong khi phương tiện y tế ngày càng phức tạp); kiểm tra giám sát chưa hiệu quả, thiếu khách quan… Các nước thống kê thấy 1 lỗi hoạt động thường có 3 - 4 yếu tố liên quan tới lỗi hệ thống. Thêm vào là môi trường làm việc có khi chật hẹp, thiếu ánh sáng, nóng nực, ồn ào…

Ở góc độ lỗi hoạt động, con người là yếu tố chính yếu để xảy ra sự cố, mà tay nghề không vững vàng là “thủ phạm” hàng đầu. Tay nghề không vững vàng dẫn đến chẩn đoán sai nên mổ ra lúng túng, vì phải thay đổi ngay cách xử lý; chỉ định mổ quá sớm hoặc quá muộn; chọn phương pháp không phù hợp; chuẩn bị phẫu, thủ thuật chưa tốt; gây mê hay tê phạm lỗi kỹ thuật; không phát hiện được bệnh kèm; dùng sai thuốc hoặc hai thuốc tương kỵ, làm giảm tác dụng của nhau hoặc thuốc phải chống chỉ định với bệnh nhân… Đạo đức nghề nghiệp kém, thiếu trách nhiệm, tác phong cẩu thả… tất thảy đều là nguyên nhân đưa đến Iatrogenic.

Tuy nhiên, Iatrogenic xảy ra cả với thầy thuốc giỏi, luôn xem trọng trách nhiệm. Vì thế, một vấn đề cần phải rạch ròi là trước nay, khi xảy ra sự cố nhiều người có thói quen đổ riệt cho việc thầy thuốc thiếu trách nhiệm, đạo đức; chuyên môn kém mà không hề biết có hàng trăm biến chứng, tai biến… của nhiều bệnh hay phương pháp điều trị đã được y văn thừa nhận. Chẳng hạn, gãy xương lớn có thể tắc mạch (tim, não) do mỡ từ tủy xương vào máu, tử vong đột ngột dù có mổ hay không; mổ thì nguy cơ tắc mạch cao hơn do tạo thêm “cửa” cho mỡ vào máu, nhưng buộc phải mổ mới chữa được. Vì không phân biệt phải trái nên khắp cả nước đã nhiều trường hợp người nhà gây náo loạn, đập phá bệnh viện, hành hung nhân viên y tế, đòi bồi thường.

Việt Nam hiện chưa có hệ thống giám sát Iatrogenic. Vì thế, phân tích các nguyên nhân từ lỗi hệ thống và hoạt động chưa có. Trong khi chờ đợi chỉ có thể giảm thiểu Iatrogenic bằng cách biết rõ các lỗi này để tránh hết sức có thể.

Đọc thêm

Lửa nhiệt huyết chưa bao giờ nguội ở chuyên gia chẩn đoán hình ảnh với hơn 40 năm cống hiến

 PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng luôn hết mình vì chuyên môn và vì sức khỏe người dân. (Ảnh trong bài: NVCC)
(PLVN) - Hơn 4 thập kỷ cống hiến trong ngành Y, trải qua nhiều vai trò khác nhau, vị chuyên gia ấy vẫn luôn cháy lửa nghề. Đến nay, khi tuổi đã ngoài 60, ông luôn nỗ lực làm mới bản thân trước guồng quay công nghệ nhằm áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất vào công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
(PLVN) - Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.

Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) - Đến nay Bộ Y tế đã phê duyệt giá khám chữa bệnh 15 bệnh viện theo mức lương cơ sở. Bộ này đánh giá, khi điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng, phần đồng chi trả (ở mức 20% và 5%) tăng thêm không nhiều.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng bữa ăn học đường

Cần sự phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. (Ảnh minh họa: SKĐS)
(PLVN) -  Thời gian qua, vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh đã trở thành mối lo ngại ở nhiều trường học tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến phụ huynh vô cùng bất an và để lại hệ lụy không nhỏ cho sức khỏe của học sinh.

Tăng thuế thuốc lá để giảm thiệt hại 108.000 tỷ đồng mỗi năm

Bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC)

(PLVN) - Theo ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thuốc lá gây tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Việc tăng thuế sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe...

Mắc uốn ván từ khoang miệng

Bệnh nhân mắc uốn ván từ khoang miệng. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - 10 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân L.V.S (nam, 40 tuổi ở Hải Dương) bắt đầu có triệu chứng đau họng nhưng không sốt. Sau 6 ngày dùng thuốc bệnh nhân bắt đầu khó há miệng, khó nói và ăn uống kém. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông S. mắc uốn ván.