Nhu cầu chuyển đổi Văn phòng công chứng (VPCC) do một công chứng viên thành lập sang VPCC do hai công chứng viên trở lên thành lập đang trở nên rất phổ biến. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này lại không dễ do pháp luật chưa có quy định. Đây là một nội dung gây nhiều ý kiến tranh cãi tại cuộc họp Ban soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 02/CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (23/9).
Chuyển đổi: Chỉ là bổ sung và góp vốn?
Bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, vấn đề này hiện có hai loại ý kiến: ý kiến thứ nhất cho rằng Luật Công chứng không quy định về vấn đề này, mặt khác nếu áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp để hướng dẫn về chuyển đổi cũng không có cơ sở và không phù hợp. Do đó, trong khi chưa sửa đổi Luật Công chứng thì Dự thảo Nghị định chỉ nên hướng dẫn việc chuyển đổi theo hướng như là thành lập mới VPCC.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, thủ tục chuyển đổi nên đơn giản so với thủ tục thành lập ban đầu. Cụ thể, khi có nhu cầu, VPCC gửi đơn đến Sở Tư pháp cùng với các giấy tờ liên quan trình UBND ra quyết định.
Theo bà Yến, Thường trực Tổ biên tập đang nghiêng về loại ý kiến thứ hai vì cho rằng về bản chất việc chuyển đổi chỉ là bổ sung công chứng viên và góp vốn. Vấn đề này cũng chỉ mang tính thủ tục, do vậy cần đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho các VPCC.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng Trần Văn Hùng bảy tỏ sự tán thành cao với Dự thảo luật: “Mô hình VPCC do một công chứng viên thành lập qua thời gian hoạt động cho thấy có quá nhiều bất cập. Nguyện vọng chuyển đổi là đúng đắn. Chúng ta nên khuyến khích các VPCC có từ hai công chứng viên trở lên”. Ông Hùng cũng cho rằng việc bổ sung công chứng viên không cần phải qua các quy trình như khi thành lập mới vì “như vậy sẽ rất phức tạp, mất thời gian”.
Đại đa số các ý kiến tham dự cuộc họp đồng thuận với phương án Ban soạn thảo đưa ra, vì cho rằng đó là giải pháp tối ưu cho những vướng mắc từ thực tiễn hiện nay.
Bồi dưỡng nghiệp vụ: Bắt buộc đối với người được miễn đào tạo
Theo quy định của luật Công chứng, người được miễn đào tạo nghề công chứng (như đã là thẩm phán, điều tra viên..) không phải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng trước khi được bổ nhiệm là công chứng viên. Quy định này theo tinh thần của Luật để khuyến khích việc phát triển VPCC trong thời gian đầu thực hiện xã hội hóa.
Tuy nhiên, cũng theo bà Đỗ Hoàng Yến, thực tế thời gian qua cho thấy chất lượng công chứng viên được bổ nhiệm từ nguồn đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng là rất thấp. Do đó, cần quy định bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng là điều kiện bắt buộc đối với các đối tượng nói trên.
Bà Lê Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh ủng hộ quy định về bồi dưỡng nghiệp vụ, đồng thời nêu dẫn chứng: Ở TP Hồ Chí Minh, rất nhiều các công chứng viên bổ nhiệm từ nguồn được miễn đào tạo trong quá trình hành nghề đã gây ra sai sót, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân, và môi trường công chứng nói chung. “Buộc qua lớp bồi dưỡng là vấn đề cấp thiết”, bà Minh khẳng định.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng Trần Văn Hùng bổ sung: Công chứng là nghề đòi hỏi phải có chuyên môn sâu, không được đào tạo thì ít nhất cũng phải được bồi dưỡng, nếu không dễ dẫn đến rủi ro.
Ủng hộ về chủ trương để nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên nhưng Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng Pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến (Bộ Tư pháp) lại rất thận trọng: Luật không quy định mà Dự thảo lại đưa vào là không ổn. Ông Tuyến hiến kế: Sau khi cấp thẻ thì có thể quy định phải qua lớp bồi dưỡng trước khi hành nghề, như vậy vừa không trái luật vừa giải quyết được vấn đề của thực tiễn.
Một số ý kiến tán thành với ông Tuyến và cho rằng về lâu dài phải tính tới việc sửa Luật Công chứng, trong đó có quy định bắt buộc phải được bồi dưỡng nghiệp vụ với đối tượng miễn đào tạo nghề.
T.Hằng