Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN), có thể nói, công tác nắm tình hình yêu cầu và giải quyết yêu cầu bồi thường của các Bộ, ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, số vụ yêu cầu bồi thường chưa nhiều, có Bộ, ngành còn chưa có số liệu thống kê cụ thể.
Chủ yếu bồi thường trong tố tụng hình sự
Khi được ban hành, Luật TNBTCNN được đánh giá cao về việc đã xác lập cơ chế pháp lý đồng bộ, tạo thuận lợi để người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra.
Ba năm qua, các Bộ, ngành đã triển khai nghiêm túc công tác giải quyết bồi thường, các yêu cầu chính đáng và hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại đều được giải quyết đúng quy định của pháp luật, không làm phát sinh các vụ việc giải quyết yêu cầu bồi thường kéo dài gây bức xúc trong nhân dân, góp phần bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường.
Tuy nhiên, tình hình thực hiện giải quyết bồi thường theo lĩnh vực quản lý của các Bộ, ngành có sự khác biệt nhất định. Theo đó, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng chỉ báo cáo chung và chưa có số liệu thống kê cụ thể; mới có TANDTC và VKSNDTC đưa ra các thống kê trong ngành.
Theo số liệu TANDTC công bố từ ngày 1/1/2010 đến 31/10/2010, toàn ngành Tòa án có 17 đơn yêu cầu bồi thường và 5 đơn khởi kiện. Các Tòa án thụ lý 12 đơn yêu cầu bồi thường và 4 đơn khởi kiện (6 đơn còn lại không được thụ lý do không đủ căn cứ).
Trong số 16 đơn được thụ lý, các Tòa án đã giải quyết được 9 vụ việc, trong đó thông qua thương lượng thành 5 vụ việc và xét xử 4 vụ việc với tổng số tiền bồi thường là hơn 1,63 tỷ đồng. Trong năm 2011, theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến 1/10/2011, Vụ Kế hoạch - Tài chính (TANDTC) đã cấp kinh phí bồi thường cho 8 vụ việc yêu cầu và khởi kiện bồi thường thuộc trách nhiệm của ngành Tòa án với tổng số tiền gần 1,64 tỷ đồng.
Thực tiễn công tác giải quyết bồi thường tại TAND cho thấy, các yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện đòi bồi thường phần lớn là về tố tụng hình sự, tiếp đến là tố tụng dân sự, không có đơn yêu cầu hoặc khởi kiện đòi bồi thường đối về tố tụng hành chính. Hiện tại, tất cả các vụ việc đều xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường, không có vụ việc nào có mâu thuẫn về việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Đối với VKSNDTC, trong quá trình thực hiện Luật TNBTCNN, toàn ngành Kiểm sát đã có thống kê đầy đủ về số liệu giải quyết bồi thường như sau: Năm 2010, toàn ngành Kiểm sát tiếp nhận 49 đơn yêu cầu bồi thường, cấp kinh phí cho 21 trường hợp với tổng số tiền là 1,253 tỷ đồng. Năm 2011, toàn ngành Kiểm sát nhận được 31 đơn yêu cầu bồi thường, cấp kinh phí cho 17 trường hợp với tổng số tiền là 2,253 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2012, toàn ngành Kiểm sát tiếp nhận 18 trường hợp, kiểm tra thẩm định và đề nghị cấp kinh phí cho cả 18 trường hợp này với tổng số tiền là hơn 2,6 hai tỷ đồng.
Còn nhiều vướng mắc
Theo phản ánh của các Bộ, ngành, trong quá trình triển khai Luật TNBTCNN, đã nảy sinh những vấn đề còn tồn tại ảnh hưởng tới hiệu quả thi hành. Chẳng hạn, một số cơ quan, ban ngành chưa có cán bộ chịu trách nhiệm làm đầu mối liên hệ giữa các cơ quan phối hợp quản lý công tác bồi thường; trao đổi trực tiếp giữa các cơ quan để trả lời đối với các nội dung xin ý kiến các văn bản hướng dẫn Luật chưa được phối hợp tốt.
Đặc biệt, còn tồn tại tình trạng phát sinh yêu cầu giải quyết bồi thường nhưng cá nhân người thi hành công vụ tự thương lượng, bồi thường cho người bị thiệt hại mà không theo đúng quy trình, cơ quan bao che…, ảnh hưởng đến việc thống kê, tổng kết báo cáo số liệu.
Riêng đại diện TANDTC cho biết, ngành TAND đã gặp phải những vướng mắc, bất cập nhất định. Đáng chú ý là một số quy định của Luật TNBTCNN còn rất chung chung, khó hiểu nhưng việc xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện lại chậm trễ.
Vì vậy, một số Tòa án gặp khó khăn khi giải quyết vụ việc trong một số trường hợp như người bị thiệt hại nhận được quyết định giải quyết bồi thường bằng mức bồi thường mà họ đã đồng ý trong biên bản thương lượng với cơ quan có trách nhiệm bồi thường và quyết định giải quyết bồi thường được ban hành đúng quy định của pháp luật thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết bồi thường hay không; trường hợp người yêu cầu bồi thường thiệt hại bị mất toàn bộ tài liệu, hồ sơ liên quan vụ việc; hay việc xác định thiệt hại cụ thể trên thực tiễn cũng đang là vấn đề rất phức tạp…
Thục Quyên