Phiên tòa sơ thẩm hình sự tại TAND tỉnh Lạng Sơn sáng 7/8 diễn ra trong cơn mưa tầm tã. Tất cả những người có mặt đều im lặng không nói với nhau câu nào. Họ là người thân và họ hàng của bị cáo, và cũng bởi vì cả bị hại và bị cáo trong vụ án thương tâm này đều cùng trong một gia đình nên ai nấy đều thấy xót xa, thương cảm...
Bị cáo Hoàng Minh Đạo nghe Tòa tuyên án |
Giá như... “dạy con từ thủa còn thơ”
Sáng hôm ấy, do lỡ xe, chúng tôi đã đến nơi khi phiên tòa diễn ra được gần 1 tiếng đồng hồ. Vừa vào đến sân TAND tỉnh Lạng Sơn, cánh cửa phòng xử án bỗng nhiên bật mở, một người phụ nữ dáng điệu hớt hải chạy vội vàng ra xe. Thì ra chị phải trở về nhà cách đó 30 cây số lấy giấy ủy quyền của mẹ để được tham dự phiên tòa. Nhìn theo con gái, người đàn ông quên mất mình đang là bị cáo, dặn với theo con: “Nhớ bảo mẹ mày uống thuốc con nhé”.
Người đàn ông ấy tên Hoàng Minh Đạo (52 tuổi, ngụ thôn Ôn Cựu 2, xã Vân Mộng, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn). Khuôn mặt trầm ngâm, bị cáo Đạo xin phép cán bộ dẫn giải cho phép mình đi ra ngoài cùng với một số người thân trong khi chờ con gái quay lại để phiên tòa tiếp diễn.
Khi khách hỏi chuyện, bị cáo Đạo chỉ thở dài bảo: “Chuyện buồn lắm! Có ai lại đi nỡ làm cái điều mà mọi người đều chê trách đâu. Tôi hại con mình, làm nó chết nên giờ đây tôi xin chịu mọi hình phạt của pháp luật. Có điều, bà nó đang ốm nằm một chỗ, cháu gái mình thì cũng chưa biết sắp tới ra sao. Giá như tôi bình tĩnh...”.
Vợ chồng ông Đạo có 4 người con - 2 trai, 2 gái. Trong đó, người con trai đầu là Hoàng Văn Nhạy (SN 1980). “Ngay từ nhỏ, Nhạy đã ngỗ ngược, quậy phá đến nỗi nhiều bà con trong xóm phải đến tận nhà bảo tôi dạy dỗ nó. Ngày đó, nghĩ con còn nhỏ nên tôi chỉ bảo nó vài câu, chứ không dạy dỗ đến nơi đến chốn”, bị cáo giãi bày.
Do được nuông chiều nên Nhạy chỉ học đến năm lớp 9 thì bỏ dở. Vợ chồng ông Đạo đóng tiền cho Nhạy đi học sửa chữa ô tô, lái xe và cả cơ khí nhưng mỗi khóa Nhạy chỉ học được dăm bữa, nửa tháng là bỏ về. Không chỉ là “ông trời con” trong nhà, ở địa phương Nhạy còn là thành phần “có uy” với đám thanh niên ngổ ngáo mới lớn.
Bất kỳ trai làng khác có ý định đến thôn Ôn Cựu 2 tìm hiểu cô gái nào đó đều bị Nhạy đánh cho “bạt vía” đến nỗi không dám quay lại. Ông Đạo phải thốt lên: “Không có vụ đánh nhau nào là không thấy có mặt nó. Tôi càng ngày càng không dạy bảo được con. Bố nói một câu, con cãi hai câu, rốt cục hai bố con cứ ầm ĩ cả nhà vì bất đồng”.
Năm 2009, sau khi đã hoàn tất việc dựng vợ gả chồng cho cả 4 đứa con, vợ chồng ông Đạo tiến hành chia đất và nhà cho đàn con của mình. Sau đó, vợ chồng ông Đạo thu xếp về ở với vợ chồng Nhạy là con trai cả. Tuy nhiên, cho rằng mình được bố chia cho nhà và đất “không đẹp”, nhất là không có mặt tiền để làm ăn, kinh doanh, Nhạy đã bắt bố mẹ phải chia lại nếu không sẽ không cho bố mẹ ở cùng. Mặc dù rất tức giận nhưng để giữ hòa khí trong gia đình, ông Đạo đồng ý chia lại nhà và đất.
Đến tháng 2/2012, việc phân chia lại hoàn tất và lần phân chia này, các em Nhạy đều thống nhất chiều theo ý của anh cả. Thế mà Nhạy vẫn còn hậm hực. Do bố mẹ ở với mình, nỗi hậm hực này được Nhạy “chuyển hóa” thành những trận quát mắng, chửi bới rất thậm tệ đối với cha đẻ của mình.
Thậm chí, không ít lần, ông Đạo trở thành nạn nhân của những trận đòn roi của chính thằng con trai cả mà ông ta rất mực thương yêu, đùm bọc.
Dù đã có vợ con nhưng Nhạy vẫn ham chơi lười làm, tối ngày rượu chè nên rốt cục vợ Ngạy đã đệ đơn xin ly hôn. Năm 2011, Tòa giải quyết cho ly hôn, giao con gái 4 tuổi cho Nhạy nuôi dạy. Nhưng ngay sau phiên tòa đó, Nhạy đẩy đứa trẻ về phía cha mẹ và “phán” một câu xanh rờn: “Cháu của ông bà, ông bà nuôi đi!”.
Thảm kịch gia đình
Mâu thuẫn gia đình lên đến đỉnh điểm vào hồi 9h ngày 14/4/2012, khi ông Đạo đang nấu cơm dưới bếp thì Nhạy đi đâu về, vô cớ lao vào đấm đá cha mình không thương tiếc. Nhạy còn đá tung nồi cơm đang nấu dở, chửi bới thậm tệ rồi vớ con dao chặt củi để ở gần đó xông vào định chém ông Đạo.
Quá sợ hãi, người cha này phải bỏ chạy ra đằng sau bếp rồi gọi điện thoại cho con gái Hoàng Thị Tuyến và cháu mình là La Văn Cường đến can ngăn. Sau vụ đó, ông Đạo phải đi lánh nạn ở nhà cậu con trai út.
Một thời gian sau, ông Đạo lại dọn về ở với Nhạy. Nhưng không được mấy bữa, khi ông Đạo đang lùa đàn lợn con vào cũi thì thấy Nhạy từ trong nhà đi ra, thấy cha, Nhạy tiếp tục lao bổ vào đấm đá khiến ông Đạo lại phải bỏ chạy tới nhà con trai út. Lần này, Nhạy vừa đuổi theo vừa la hét: “Hôm nay tao phải giết thằng già này trước, rồi giết cả nhà sau”.
Mặc dù cố gắng né những cú vụt (bằng đòn gánh) của thằng con bất hiếu nhưng ông Đạo vẫn trúng mấy đòn vào cánh tay phải. Vừa lùi vào bếp, ông Đạo vừa cố gắng tìm lấy một thanh củi để chống đỡ rồi lựa thế đập thẳng vào đầu con trai mình khiến thanh niên này gục xuống. Do nhát đập đúng vào vị trí hiểm nên Nhạy tử vong trên đường đi cấp cứu.
Gây án xong, ông Đạo đến Công an xã Vân Mộng đầu thú và tường trình lại toàn bộ sự việc. Tại phiên tòa vừa qua, ông Đạo bị truy tố theo Khoản 1, Điều 96, Bộ luật hình sự về hành vi “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.
Nước mắt nơi sân tòa
Tại phiên tòa, một bé gái 4 tuổi (vừa là con của nạn nhân Hoàng Văn Nhạy, vừa là cháu nội của bị cáo Hoàng Minh Đạo) thi thoảng lại chạy tới chỗ ông nội hỏi han khiến những người dự tòa thở dài đầy thương tâm. Do sức khỏe yếu, lại đau buồn vì chuyện gia đình nên vợ của bị cáo Đạo ốm liệt giường mấy tháng nay, phải ủy quyền cho con gái tham gia phiên tòa. Chứng kiến cảnh gần chục con người tha thiết mong tòa án giảm hình phạt cho bị cáo, ai nấy đều không khỏi lắc đầu xót xa.
Trước khi Tòa tuyên án, chúng tôi có hỏi bị cáo Đạo tại sao không nhờ chính quyền can thiệp giáo dục giúp nghịch tử, bị cáo ân hận nói: “Lúc đó tôi nghĩ chuyện gia đình mình có vấn đề mà để mọi người biết được sẽ không hay. Lúc nhận thức được vấn đề thì đã muộn rồi”.
Bị cáo Đạo nói trong nước mắt: “Tôi làm sai, tôi phải chịu nhưng để cháu gái mình không có bố, sau này không biết tôi sẽ phải nói sao với nó về hành động của mình. Giá như hôm ấy tôi có biện pháp khác thì đã không xảy ra cơ sự này. Giờ chỉ mong mọi người trong làng, trong gia đình thông cảm cho mà thôi”.
Kết thúc phiên xử, TAND tỉnh Lạng Sơn đã tuyên phạt Hoàng Minh Đạo 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Khi mọi người rời phòng xử án, ngoài trời đang mưa tầm tã. Ông Đạo cứ thế bước đi, những hạt mưa hất vào mặt không che giấu được những giọt nước mắt muộn màng...
Thẩm phán Nguyễn Thị Nguyện (Chủ tọa phiên tòa) nhận xét: “Đây lại là một bi kịch nữa trong cuộc sống gia đình khi con cái bất hiếu và những bậc sinh thành không có biện pháp phù hợp để tháo gỡ những mâu thuẫn. Ở vụ án thương tâm này, người cha đáng ra phải nghiêm khắc dạy dỗ con mình ngay từ nhỏ và những lúc con hư. Khi mâu thuẫn giữa hai cha con ngày càng lớn, chính quyền địa phương và các đoàn thể, bà con làng xóm cần có biện pháp hòa giải, can thiệp. Nhưng, bị cáo vì không muốn “vạch áo cho người xem lưng” nên cuối cùng chính bị cáo phải vương vòng lao lý và còn nhận cho mình một bản án lương tâm sẽ còn đeo đẳng nhiều năm nữa. Thiết nghĩ, đây chính là một bài học cần thiết cho các gia đình hiện nay trong việc giáo dục con em và điều hòa các mối quan hệ trong cuộc sống thường ngày”. |
Trần Minh - Ngọc Trìu