Vì một phút nông nổi, hiếu thắng mà phạm nhân Nguyễn Anh Tuấn (22 tuổi, ngụ TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã khởi xướng cho các “chiến hữu” đoạt tính mạng của đối thủ nhằm giải quyết mâu thuẫn vụn vặt trong cuộc sống. Kết cục là Tuấn đã phải giã từ thời sinh viên để trả giá cho hành vi tội lỗi bằng bản án 15 năm tù về tội “Giết người”.
Phạm nhân Nguyễn Anh Tuấn |
Án mạng ngày cuối năm
Dù vụ án đã xảy ra cách đây 5 năm nhưng ánh mắt phạm nhân Nguyễn Anh Tuấn vẫn lộ rõ vẻ kinh hoàng khi kể lại. Dạo đó là cuối năm 2007, Tuấn đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Phương Đông (Hà Nội). Do chưa tìm được chỗ thuê trọ ưng ý nên Tuấn đến ở nhờ nhà một người bạn cùng lớp ở tổ 31, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Tại khu vực này lúc đó có nhóm thợ xây của anh Ngô Văn Thân (SN 1980, ngụ xóm Dân Chủ, xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đang thi công công trình. Trong khoảng thời gian ở trọ nhờ nhà bạn, giữa Tuấn và nhóm thợ xây này đã xảy ra một số va chạm, xích mích.
Vì mâu thuẫn này, tối 29/12/2007, Tuấn phải uất ức chuyển nhà ở vào ở ký túc xá. Cay cú vì bị bắt nạt do yếm thế nên Tuấn đã điện thoại kể lại mâu thuẫn giữa mình và nhóm thợ xây rồi cầu cứu bạn là Bành Quốc Thủy (SN 1988, ngụ thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) “rửa hận” cho mình.
Sau khi nhận lời, Thủy đã gọi thêm 4 “chiến hữu” khác bao gồm Nguyễn Quang Thành (SN 1991, ngụ huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Nguyễn Duy Nam (SN 1990), Hoàng Sỹ Chung (SN 1987) và Vũ Ngọc Anh (SN 1990, đều ngụ phường Cửa Ông, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) đi xe khách lên Hà Nội gặp Tuấn.
Tại Hà Nội, cả nhóm gồm 6 đối tượng bàn bạc, thống nhất kế hoạch dằn mặt đối thủ, trong đó Tuấn “mở cửa” cho các chiến hữu “chơi hết tầm”. Sau đó, cả nhóm chuẩn bị một số hung khí gồm dao nhọn, vỏ chai bia cho vào ba lô rồi đi xe buýt xuống khu vực nhà trọ có nhóm anh Thân đang ở thanh toán đối thủ.
Khỉ cả nhóm tới phòng trọ của anh Thân, Tuấn vào thám thính chỉ điểm những đối thủ cần dằn mặt rồi ra ngoài, phó mặc cho đồng bọn hành động. Được Tuấn “bật đèn xanh”, 5 đối tượng còn lại đã dùng dao nhọn và vỏ chai xông vào tấn công làm anh Thân tử vong tại chỗ, ngoài ra 2 người bạn cùng phòng của nạn nhân cũng bị thương nặng phải đi bệnh viện cấp cứu.
Sau khi gây án Tuấn, đã trốn về Hòa Bình còn các đối tượng khác về Cẩm Phả. Nhưng 12 giờ sau khi gây án, Tuấn đã bị công an tóm gọn khi đang lẩn trốn tại tỉnh Hòa Bình. Trên cơ sở lời khai của Tuấn, kết hợp với lượng thông tin đã thu thập được liên quan đến vụ án mạng, Công an TP Hà Nội đã tóm gọn cả 5 tên còn lại vào 20h ngày 1/1/2008 khi chúng trên đường về thị xã Cẩm Phả lẩn trốn.
Mặc dù là kẻ chủ mưu, cầm đầu của vụ án “Giết người” thanh toán theo kiểu “xã hội đen” khiến dư luận phẫn nộ nhưng do tính đến thời điểm gây án vẫn chưa đủ 18 tuổi nên Nguyễn Anh Tuấn chỉ bị TAND TP.Hà Nội xử phạt 15 năm tù. Còn các đối tượng trong vụ án này lần lượt phải nhận mức án từ 10 đến 20 năm tù, tù chung thân và tử hình.
Giấc mơ giảng đường của chàng “cán bộ thi đua mặc áo sọc”
Những ngày này, Nguyễn Anh Tuấn đang thụ án tại Trại giam Thanh Lâm (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an). Nhờ có ý thức chấp hành cải tạo tốt, lại sẵn bản tính thông minh nhanh nhẹn nên Tuấn được cán bộ quản giáo tin tưởng giao nhiệm vụ làm ở Đội thi đua tổ chức các phong trào thể dục thể thao, văn nghệ... cũng như kịp thời phát giác, tố cáo những sai phạm của những phạm nhân trong trại giam.
Tâm sự với phóng viên, Tuấn cho biết cả phân trại chỉ có 4-5 phạm nhân được giao trọng trách này nên cậu rất lấy làm tự hào và luôn cố gắng làm hết trách nhiệm. Thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ, cộng với tuổi đời còn trẻ nên không ít lần Tuấn đã va chạm với những phạm nhân “lão làng”.
Để tránh mang tiếng “miệng còn hôi sữa đã lên mặt dạy đời”, Tuấn đã phải rất khéo léo trong cung cách ứng xử. Và rồi, nhờ lòng nhiệt thành của mình, Tuấn đã làm thay đổi thái độ của không ít "lão làng" nên được cán bộ quản giáo đánh giá rất cao.
Về phần mình, Nguyễn Anh Tuấn tâm sự rằng động lực thúc đẩy Tuấn luôn cố gắng cải tạo, luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của một “cán bộ thi đua mặc áo sọc” là khát khao cháy bỏng được tiếp tục ngồi trên giảng đường đại học. Tuấn cho biết, gia đình cậu ta có truyền thống với về nghề cầu đường từ đời ông, cha.
Từ bé sớm tiếp xúc với những bản vẽ thiết kế, mô hình đã luôn ấp ủ cho hắn có một ước mơ sẽ nối nghiệp gia đình. Vì thế, dù ở trong trại giam nhưng hắn vẫn mơ về ngày không xa để tiếp tục thực hiện ước mơ dang dở đó.
Nhớ lại ngày khi đậu trường đại học, mọi người trong gia đình Tuấn ai nấy đều vui mừng và kỳ vọng trong tương lai Tuấn sẽ nối dài truyền thống của gia đình. Ngày đó, Tuấn cũng ý thức được việc chăm chỉ học tập để nối nghiệp cha ông sẽ có ý nghĩa thế nào với gia đình hắn. Thế nhưng, một ngày mai tươi sáng đã tắt rụi khi Tuấn gây án chỉ sau hơn 2 tháng bước chân vào giảng đường trường đại học. Chính bởi điều đó, những ngày đầu ngồi sau song sắt, được tĩnh tâm trở lại Tuấn đã rất ân hận về lỗi lầm của mình.
Ngày mới nhập trại, mỗi lần được gặp cha mẹ, Tuấn chỉ biết ôm mặt khóc rưng rức vì không thể diễn tả nỗi thất vọng lẫn sự xấu hổ của bản thân...
Tuy nhiên, niềm tin hướng thiện cùng với sự động viên kịp thời của gia đình và cán bộ quản giáo Tuấn đã dần “hồi sinh”. Tuấn luôn tâm niệm sẽ cải tạo thật tốt để sớm có ngày trở về thực hiện tiếp ước mơ giảng đường còn dang dở.
Hơn 2 năm nay, Tuấn luôn dành thời gian rảnh rỗi trong trại giam để “dùi mài kinh sử”, thông qua đài báo hễ có những điều chỉnh về kiến thức sách giáo khoa thì Tuấn cũng liên tục thông qua gia đình cập nhật bằng được những bộ sách mới nhất. Đến thời điểm này, với việc ngày ngày “văn ôn võ luyện” đó, Tuấn thể hiện sự tự tin của mình khi khẳng định, ngay khi mãn hạn tù, cậu ta chắc chắn sẽ vượt qua kỳ thi đại học.
Nhờ sự động viên của gia đình và sự cảm hóa giáo dục của các cán bộ quản giáo mà giờ đây Tuấn đã phần nào bước qua được sự mặc cảm với tội lỗi quá khứ để lạc quan hướng tương lai phía trước.
“Tôi tin là mình sẽ vượt qua tất cả, vì trước kia trong lớp học của chúng tôi cũng có một người bạn từng có quãng thời gian lẫm lỗi như tôi nhưng họ vẫn quyết tâm học tập và theo đuổi ước mơ. Dạo đó, các thành viên trong lớp tôi không những xa lánh mà đón nhận anh ta với thái độ thông cảm, chân thành. Nên tôi nghĩ nếu mình chứng tỏ được mình đã là người đã lương thiện thì không ai lỡ loai trừ mình cả”, cựu sinh viên trong màu áo sọc tâm sự.
Ai cũng có thể mắc phải lỗi lầm, nhất là khi người ta còn trẻ dại và nông nổi; điều quan trọng là phải dám đoạt tuyệt quá khứ để biết đứng dậy, sửa sai. Câu chuyện của phạm nhân Nguyễn Anh Tuấn là bài học để nhiều bạn sinh viên đang là niềm kiêu hãnh, tự hào và mang rất nhiều kỳ vọng của gia đình cẩn phải hiểu: Còn có một “trường đại học” khác khắc nghiệt hơn nhưng không dễ “vượt vũ môn” nếu không biết nhẫn nhịn, cư xử đúng mực và luôn tôn trọng hòa khí, đó là “trường đời”.
Tiến Phong