Singapore giành quyền độc lập - tự chủ về cung cấp nước như thế nào?

Hồ dự trữ Linggiu là nguồn cung cấp nước ở Johor (Malaysia) và Singapore
Hồ dự trữ Linggiu là nguồn cung cấp nước ở Johor (Malaysia) và Singapore
(PLVN) - Từng trải qua nhiều bài học xương máu vì nguồn nước khan hiếm, người dân Singapore buộc phải hiểu, quý trọng và tiết kiệm nguồn tài nguyên nước của họ. Các lãnh đạo ở Singapore từ lâu cũng đã nung nấu quyết tâm độc lập chủ quyền về nguồn nước cho quốc gia của mình, chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn nước nhập khẩu từ Malaysia. Đối với người Singapore, chủ động nguồn nước đồng nghĩa với việc bảo vệ được chủ quyền quốc gia.

Quốc đảo phải nhập khẩu nước sạch

Đầu tháng 7/2018, Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia đã đề xuất tăng 1600% giá nước mà Singapore đang nhập mua từ Malaysia. Sở dĩ có đề xuất này là bởi, sông Johor và hồ dự trữ nước Linggiu (nguồn nước chính của Johor và Singapore) đã suy giảm tới 20% công suất vào năm 2016, gây ra cuộc khủng hoảng nước trong mùa hạn hán cùng năm ở Malaysia. Sau đề xuất này, căng thẳng  trong mối quan hệ giữa hai nước ngày càng leo thang.

Câu chuyện bắt đầu từ khoảng tháng 2/1942, trong cuộc thế chiến thứ hai, quân đội Nhật Bản bao vây Singapore, cho nổ tung các đường ống dẫn nước từ bang Johor của Malaysia đến Singapore. Với ý đồ cắt đứt nguồn viện trợ nước từ bên ngoài, người Nhật biết rõ rằng quân Anh phòng thủ Singapore – thuộc địa lúc bấy giờ được xem là tiền đồn “bất khả xâm phạm” của Anh tại Đông Nam Á – sẽ không thể chiến đấu được vì khát nước. Hai hồ chứa duy nhất bên trong Singapore chỉ đủ dùng không quá hai tuần lễ.

Đến cuối những năm 1960, hệ thống các hồ nước trên toàn bộ quốc đảo bị ô nhiễm nặng, tràn ngập rác, chỉ còn vài hồ nước sạch và toàn bộ nước dùng phải mua của Malaysia. Khi đảo quốc này tách ra khỏi liên bang Malaysia vào cuối tháng 8/1965, Thủ tướng Malaysia - Tunku Abdul Rahman đã tuyên bố với cao uỷ Anh tại Singapore rằng: “Nếu Singapore không làm theo ý tôi, tôi sẽ khóa van dẫn nước”.

Sau cuộc chia tách, chuẩn bị cho chiến lược tự chủ về nguồn nước, chính quyền Singapore quyết định dọn dẹp sạch các hồ chứa, tạo thêm các hồ mới để trữ nước ngọt, sạch và nước mưa, đưa toàn bộ khu vực canh tác nông nghiệp, các trang trại nuôi gia cầm về phía đông. Toàn bộ quy trình làm sạch môi trường nước đã hoàn thành đến cuối những năm 1980. 

Đồng thời, dưới sự dàn xếp trung gian của Anh, Singapore đã ký với Malaysia hai hiệp ước song phương riêng rẽ về việc nhập nước. Hai thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực lần lượt vào năm 2011 và năm 2061. Hiện nay, Singapore vẫn đang mua 250 triệu gallon nước (khoảng 1,14 triệu m3) mỗi ngày, tương đương 60% lượng nước cần thiết, từ sông Johor ở Malaysia.

“Mặc dù Singapore là nước nằm trên đường xích đạo và có nhiều mưa, nhưng chúng tôi không có bất kỳ nơi nào để dự trữ nước theo cách tự nhiên. Chúng tôi cũng không có nước ngầm”, ông Khoo Teng Chye - Giám đốc điều hành Ủy ban Cơ sở Hạ tầng Singapore (PUB) - cơ quan quản lý nguồn nước quốc gia cho biết.Dân số ngày càng đông, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa làm cho hòn đảo vốn nhỏ bé càng chật chội hơn và không đủ chỗ để tích trữ nước. 

Biến nước thải và nước biển thành nước uống

Một phần quan trọng trong quá trình giành độc lập về nguồn nước là Newater, theo cách gọi của người Singapore. Thực chất, NEWater là nước đã qua sử dụng, được lọc, tái lọc và xử lý bằng tia cực tím từ nguồn nước mưa lưu trữ ở các hồ trữ nước, nước thu lại từ các hộ dân, nhà máy... đảm bảo đủ tiêu chuẩn để uống được.

Thuật ngữ “nước đã qua sử dụng” thay cho khái niệm “nước thải” để tránh những cảm giác không cần thiết và quan trọng hơn là người dân hiểu rằng nước dù đã tắm rửa, giặt giũ... cũng là một nguồn tài nguyên của đất nước, hoàn toàn có thể tái sử dụng. Nước đã qua sử dụng từ các hộ gia đình, nhà máy được thu lại qua hệ thống ống ngầm nằm sâu dưới mặt đất từ 20-55m (sâu hơn cả hệ thống metro) rồi đưa về các nhà máy tái chế để xử lý.

Các nhà máy sẽ dùng ba cấp xử lý: vi lọc hay siêu lọc, lọc thẩm thấu ngược và tiệt trùng bằng tia cực tím để sản xuất nước sạch, đảm bảo độ tinh khiết tối đa. Cách đây năm năm, để sản xuất ra một mét khối nước bằng hệ thống khử muối, người ta phải mất đến 3 đô la Singapore (khoảng 2,2 đô la Mỹ).

Thế nhưng ba năm về trước, việc giới thiệu công nghệ mới xử lý nước trên quy mô lớn đã làm giảm mức chi phí này dưới 1 đô la. Công nghệ NEWater ra đời còn kéo mức chi phí xử lý nước xuống thấp hơn nữa, vì thế để sản xuất một mét khối nước chỉ còn 30 xu mà hiệu quả xử lý được nâng cao.

Hiện nay, Singapore có 5 nhà máy xử lý nước theo công nghệ NEWater, đáp ứng khoảng 15% nhu cầu nước của quốc gia. Theo ông Khoo Teng Chye - Giám đốc điều hành của PUB: trong vòng 3-4 năm tới, các nhà máy với quy mô lớn này sẽ cung cấp tới 30% lượng nước sinh hoạt ở Singapore. Mỗi giọt nước được sử dụng tới hai lần với hiệu suất đạt 50% so với mục tiêu đề ra là 70%.

Ước tính số tiền đầu tư ban đầu của quốc đảo này dành cho công nghệ lọc nước này lên tới 7 tỉ đô la Mỹ, trong chưa đầy một thập kỷ. Nước NEWater hoàn toàn có thể uống được nhưng PUB không bán ra bên ngoài mà bơm ngược lại cung cấp cho các nhà máy nước, vào các hồ chứa để dự trữ cho tương lai. Theo tính toán của Cơ quan Nước quốc gia Singapore (PUB), đến năm 2060, riêng chương trình tái sử dụng nước NEWater sẽ đáp ứng được 85% nhu cầu tiêu thụ nước của Singapore.

Ngoài ra, Singapore cũng đồng thời xây dựng nhà máy lọc nước biển Singspring và Tuaspring để sản xuất nước ngọt trên quy mô lớn. Với vốn đầu tư khoảng 200 triệu đô la Singapore (khoảng 147 triệu đô la Mỹ), đây là nhà máy lớn nhất trong khu vực.

Công nghệ lọc nước biển ở Singapore đã có thể đáp ứng được 10% nhu cầu nước của đảo quốc này. Trong tương lai gần, đảo quốc này dự kiến xây thêm 4 nhà máy lọc nước biển để có thể đáp ứng được 20% nhu cầu tiêu dùng nước ngọt cho mọi hoạt động kinh tế – xã hội của đất nước.

Chính sách quản lý nhu cầu sử dụng nước

Tạo ra và quản lý tốt nguồn cung cấp nước quan trọng nhưng đồng thời quản lý nhu cầu sử dụng nước cũng thiết yếu không kém. “Thực hiện chính sách quản lý việc sử dụng nước một cách toàn diện đã được tính toán kỹ lưỡng” là lời nhận xét của TS. Cecilia Tortajada - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý Nước Thế giới thứ ba dành cho Singapore.

Đó là việc Chính phủ nước này đã đưa ra nhiều chính sách, kế hoạch thông minh nhằm nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng tiết kiệm nguồn nước, xây dựng ý thức tự quản và thực hành tiết kiệm cho mỗi người dân. 

Không chỉ dừng ở biện pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động mỗi người dân nâng cao ý thức tiết kiệm nước, hành động cụ thể diễn ra ở mọi lúc mọi nơi. Đơn cử, trong cách tính giá nước lũy tiến, Chính phủ Singapore xoá bỏ luôn sự sai biệt về giá cho khu vực nước sinh hoạt và công nghiệp. Từ năm 2000, giá thống nhất cho 1 mét khối nước sử dụng là 1,17 đô la Singapore.

Nếu sử dụng trên 40 mét khối nước sinh hoạt, khách hàng phải trả 1,4 đô la Singapore. Ngoài ra, Singapore còn áp dụng hai loại thuế và phí đánh lên lượng nước tiêu thụ: thuế bảo vệ nguồn nước và phí sử dụng nước với giá 30 xu trên 1 mét khối nước tiêu thụ.

Thuế bảo vệ nguồn nước nhằm thúc đẩy việc tiết kiệm nước, còn phí sử dụng nước là công cụ giúp chính phủ trang trải phí tổn xây dựng bảo trì các hệ thống xử lý nước thải.

Ngoài ra, Chính phủ có chính sách khuyến khích các nhà khoa học, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc vào công cuộc bảo vệ, phát triển nguồn nước. Hàng năm, Chính phủ Singapore tổ chức “Tuần lễ quốc tế nước”, trao “giải thưởng Lý Quang Diệu về nước” …

Số liệu điều tra, thống kê hàng năm của Chính phủ về thực trạng tiêu dùng nước cho thấy: vào cuối những 90 của thế kỷ XX, mỗi người dân Singapore sử dụng hết 176 lít nước một ngày. Đến năm 2003, con số này đã giảm xuống 165 lít/người/ngày, năm 2008 còn 162 lít/người/ngày, năm 2012 chỉ còn 155 lít/người/ngày. Singapore đã giảm được tỷ lệ thất thoát nước về mức thấp nhất (khoảng 4,6%, bằng với Nhật Bản). 

Lời kết

Nước là vấn đề sống còn của Singapore trong nhiều thập kỷ xây dựng và phát triển đất nước. Đến nay, Singapore đã có 17 hồ chứa nước, hơn 8.000km cống thoát nước mưa dồn về các hồ nước vừa trữ nước vừa điều tiết lượng nước mưa tránh ngập lụt.

Trong các hồ chứa thì hồ chứa nhân tạo Marina với tổng số tiền đầu tư lên đến hơn 226 triệu SGD (khoảng 160 triệu USD) là quan trọng nhất khi tạo nên một cảnh quan thiên nhiên mới, môi trường nước sạch và nâng diện tích vùng giữ nước ngọt của Singapore từ 1/2 lên 2/3 diện tích cả nước. 

Từ vị thế phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước nhập khẩu, người dân Singapore ngày nay có thể tự tin nói rằng chỉ cần với tay mở khóa vòi nước, họ đã có đủ nước dùng cho nhu cầu công nghiệp và dân sinh, được cấp từ “bốn vòi nước quốc gia”. Đây vừa là bài học đáng suy ngẫm đối với nhiều đất nước, vừa là một mô hình đáng học hỏi cho các nước đang đương đầu với vấn nạn tương tự. 

Đọc thêm

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024
(PLVN) - Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã được Euromonitor International vinh danh là thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024, nhờ vào kỷ lục đón 32,4 triệu lượt khách quốc tế. Con số này vượt xa thành phố đứng thứ hai là Istanbul, nơi đón 23 triệu lượt khách nước ngoài.

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này đánh dấu những ngày lễ quốc tế quan trọng, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm chung trong việc xây dựng một thế giới công bằng, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Trường hợp khẩn cấp, công dân Việt tại Syria nên liên hệ đường dây nóng Đại sứ quán Việt Nam

Khói bốc lên trong cuộc giao tranh tại Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN
Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã đề nghị Syria cung cấp thông tin về công dân Việt Nam có khả năng đang sinh sống, làm việc tại Syria. Trong trường hợp khẩn cấp, công dân hãy liên hệ số đường dây nóng bảo hộ công dân +98 933 965 8252/+98 991 205 7570 (Whatsapp); hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới chứng kiến nhiều sự kiện đáng buồn, từ thiên tai, tai nạn, hoả hoạn, đến tội ác nhằm vào nhà báo và bệnh dịch bí ẩn..., khiến hàng trăm sinh mạng bị cướp đi.

Đàm phán FTA giữa Khối EFTA và Thái Lan chính thức đặt dấu mốc

Đại diện các nước EFTA (Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ) và Thái Lan họp trực tuyến về việc kết thúc việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên.
(PLVN) - Ngày 29/11/2024, Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, chính thức kết thúc đàm phán với Thái Lan về Hiệp định Thương mại tự do (FTA).  Thỏa thuận này mở ra một chương mới trong quan hệ thương mại giữa hai bên, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực và mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tại cả hai khu vực.

Namibia có nữ tổng thống đầu tiên

Bà Netumbo Nandi-Ndaitwah trở thành Tổng thống thứ 5 của Namibia kể từ khi nước này giành độc lập hồi năm 1990.
(PLVN) - Ngày 3/12 (giờ địa phương), Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử Namibia (ECN) Elsie Nghikembua thông báo, nước này đã bầu ra tân Tổng thống sau cuộc bầu cử diễn ra hôm 27/11.