Thời gian qua, đã có nhiều giải pháp được triển khai nhằm tăng cường, hỗ trợ hoạt động tiếp cận pháp luật của người dân. Các thiết chế bổ trợ tư pháp (luật sư, tư vấn pháp luật), trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở… ngày càng phát triển đã đóng góp không nhỏ vào việc hỗ trợ, trợ giúp người dân tiếp cận pháp luật được thuận lợi, kịp thời. Nhiều mô hình, thiết chế hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai bằng nhiều hình thức, cách làm đa dạng, sáng tạo. Nhiều chương trình, đề án được ban hành và thực hiện nhằm đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, giải quyết khiếu nại tố cáo…. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, ý thức tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật của người dân, nhất là người dân tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và các đối tượng đặc thù theo quy định của pháp luật.
Công tác cung cấp thông tin theo yêu cầu từng bước đi vào nền nếp, việc bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện cung cấp thông tin cho người dân được các cơ quan nhà nước quan tâm thực hiện. Qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tra cứu, khai thác, tiếp cận các chủ trương, chính sách, pháp luật, góp phần phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, người dân trong sản xuất, kinh doanh, lao động, học tập và cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên theo Bộ Tư pháp, người dân, đặc biệt là nhóm đặc thù, yếu thế còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận pháp luật. Một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có nhận thức chưa đầy đủ về quyền tiếp cận thông tin, vẫn còn tâm lý e ngại khi cần yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin. Đặc biệt việc đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị nhằm bảo đảm cho hoạt động cung cấp thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan, tổ chức và nhu cầu thông tin pháp luật của người dân chưa được quan tâm…
Đề án Đề án tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân giai đoạn 2022 – 2030 xác định mục tiêu tổng quát là xây dựng, hoàn thiện và triển khai một cách đồng bộ, thông suốt, hiệu quả chính sách, thể chế, giải pháp nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân trong quá trình chủ động, tự giác tiếp cận, tìm hiểu, vận dụng, sử dụng thông tin pháp luật để thực hiện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và xã hội, bảo đảm thuận lợi, nhanh chóng, đầy đủ, chính xác, hiện đại, góp phần tăng cường tính minh bạch, hiệu quả của pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đề án xác định 03 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là nâng cao nhận thức, trách nhiệm chủ động tiếp cận pháp luật của người dân và nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật.
Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ như: Truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, cơ quan, chủ thể có thẩm quyền; Nâng cao nhận thức, thói quen, trách nhiệm chủ động, kỹ năng, kiến thức tìm hiểu, vận dụng, sử dụng pháp luật; Tạo điều kiện cho người dân tham gia các hoạt động pháp luật thực tiễn, nhất là đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản, chính sách, tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở…
Cùng đó, là giải pháp hoàn thiện thể chế, cơ chế, điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân, trong đó có tổng kết thực tiễn và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số Luật, các quy định liên quan đến tiếp cận pháp luật của người dân (Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Hòa giải ở cơ sở)…
Đặc biệt, Đề án sẽ thiết lập các cơ chế hỗ trợ người dân nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật. Trong đó tập trung tăng cường trang bị các kiến thức, kỹ năng tìm hiểu, khai thác, sử dụng pháp luật cho người dân; khảo sát thực trạng, nhu cầu về tiếp cận pháp luật của người dân; Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền trong thực hiện cung cấp thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ hoạt động cung cấp thông tin pháp luật. Cùng đó, tăng cường, hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, nguồn lực phục vụ các hoạt động cung cấp thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở….
Đề án cũng giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương gồm Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thông tin đại chúng, báo chí, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh...trong tổ chức thực hiện