Hôm qua (26/7), Ban soạn thảo Luật hôn nhân gia đình (HNGĐ) đã họp phiên soạn thảo lần thứ nhất, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng ban soạn thảo; Thứ trưởng Đinh Trung Tụng - Phó trưởng ban soạn thảo.
Thừa nhận hôn nhân “chung sống như vợ chồng”?
Luật HNGĐ năm 2000 quy định, các trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng không có đăng ký kết hôn thì không được thừa nhận là có quan hệ vợ chồng. Đồng thời, luật cũng không quy định cụ thể về cách thức giải quyết hậu quả về nhân thân, tài sản và con giữa các bên có quan hệ chung sống.
Hiện chỉ có Nghị quyết thi hành Luật HNGĐ, Nghị định của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Tòa án quy định về vấn đề này nhưng chủ yếu điều chỉnh các quan hệ chung sống phát sinh trước ngày 1/1/2001 (ngày Luật HNGĐ có hiệu lực).
Tuy nhiên, thời gian qua hiện tượng chung sống như vợ chồng đã và đang tồn tại trong thực tiễn, làm phát sinh nhiều hậu quả về con, nhân thân và tài sản giữa các bên liên quan cần được pháp luật giải quyết. Vì thế, Luật sửa đổi sẽ quy định hậu quả pháp lý của các vấn đề này, cân nhắc xem xét, thừa nhận hôn nhân của các trường hợp chung sống như vợ chồng trong các trường hợp đặc thù về mặt lịch sử hoặc đặc thù về phong tục tập quán.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, thi hành Nghị quyết của Quốc hội, thời gian qua tình trạng chung sống như vợ chồng mà không đăng ký đã dần chấm dứt, giờ lại “mở ra” thì phải hết sức cân nhắc.
Ngoại tình: Sẽ có chế tài
Theo ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) thì các hành vi vi phạm nghĩa vụ trong quan hệ HNGĐ có thể bị xử lý về hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, việc áp dụng chế tài trong HNGĐ lại chưa được luật quy định cụ thể.
Đơn cử, Luật HNGĐ quy định “vợ chồng có nghĩa vụ chung thủy, thương yêu… nhau” nhưng khi một bên vợ /chồng vi phạm nghĩa vụ này (như ngoại tình, ngược đãi, hành hạ…) Luật lại không quy định chế tài xử lý.
Khi ly hôn, thì các hành vi này được xác định là nguyên nhân ly hôn chứ chưa phải là căn cứ để xác định trách nhiệm về nhân thân, tài sản và con trong giải quyết ly hôn.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Túy Hoa, Chánh án TAND huyện Từ Liêm, thì vấn đề này cần phải được cân nhắc thận trọng vì có vụ chồng đánh vợ bị xử hình sự hẳn hoi mà ra đến Tòa, vợ vẫn “xin” cho chồng.
“Đưa ngay vào trước khi có tổng kết là chưa nên” - bà Hoa nói. Đại diện đến từ Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng khuyến cáo “không nên đưa quá nhiều chế tài mà nên để BLHS, Luật xử lý vi phạm hành chính điều chỉnh”.
Quy định cụ thể về mang thai hộ
Luật HNGĐ chưa có quy định cụ thể về vấn đề mang thai hộ, Chính phủ khi ban hành Nghị định số 12/CP về sinh con theo phương pháp khoa học đã quy định cấm mang thai hộ, nhưng lại chưa quy định hậu quả pháp lý như xác định cha, mẹ đứa trẻ được sinh, các quyền nhân thân và tài sản của đứa trẻ với những người có liên quan (người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ). Luật HNGĐ sửa đổi sẽ quy định vấn đề này theo hướng bảo vệ quyền, lợi ích của trẻ em sinh ra từ quan hệ mang thai hộ.
Phó Chủ tịch TW MTTQVN Nguyễn Văn Pha và nhiều ý kiến trong Ban soạn thảo đồng tình: Cần quy định nhưng vấn đề như mang thai hộ, ly thân, kết hôn có yếu tố nước ngoài…trong Luật sửa đổi; tuy nhiên cũng cần tránh những quy định mang tính “vẽ đường cho hươu chạy”.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh “quan điểm định hướng lớn của việc xây dựng Luật HNGĐ lần này là sự ổn định lâu dài, trên cơ sở kế thừa truyền thống và đáp ứng những gì cuộc sống đang diễn ra. Mọi vấn đề đều phải được cân nhắc hết sức thận trọng”.
Bộ trưởng lưu ý “Phải xác định rõ Luật HNGĐ có nhiệm vụ gì, phạm vi điều chỉnh đến đâu để tránh không làm thay các luật khác”.Bộ trưởng cũng cho rằng “các ngành, địa phương nên dành cho Luật HNGĐ sự quan tâm thích đáng. Quá trình tổng kết nên thực hiện từ cơ sở lên”…
Những bất cập lớn được chỉ ra trong thực tiễn 12 năm thi hành Luật HNGĐ đó là: các quy định về giải quyết hậu quả phát sinh từ việc chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn chưa ghi nhận trong luật và chưa đảm bảo tính đồng bộ; chưa có quy định về ly thân, một hiện tượng xã hội phổ biến; chế độ tài sản trong hôn nhân không đảm bảo quyền tự do định đoạt về tài sản của vợ chồng trước và sau khi kết hôn; thiếu chế tài, quy định về ly hôn chưa đảm bảo nguyên tắc tự do ly hôn; quy định kết hôn giữa những người đồng tính, vấn đề mang thai hộ, kết hôn có yếu tố nước ngoài… |
Thu Hằng